Có phải bản chất của người Việt là ý thức chấp hành luật pháp kém?

Người Việt khi ra nước ngoài thì chấp hành pháp luật về giao thông, trật tự, vệ sinh rất nghiêm túc, nhưng khi quay về Việt Nam lại vi phạm.

Ngày 29/3, Quốc hội thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Dừng đèn đỏ bị gọi là “hâm”

Nhấn mạnh vấn đề ý thức chấp hành pháp luật, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) khẳng định: “Một quốc gia muốn phát triển kinh tế - xã hội vững chắc thì phải có thể chế tốt, nguồn nhân lực chất lượng và ý thức chấp hành pháp luật”.

Ông Cường lấy ví dụ khi thảm họa xảy ra ở Nhật Bản, nước Nhật không bị rối loạn và nhanh chóng phục hồi, không chỉ vì tiềm lực kinh tế mà còn vì ý thức kỷ luật, chấp hành pháp luật của người Nhật.


ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (Ảnh: Quochoi.vn)

ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (Ảnh: Quochoi.vn)

“Hãy nhìn lại chúng ta so với các nước và cũng không nói đâu xa, so với thời bao cấp, thì ý thức chấp hành pháp luật đã đi xuống đến mức báo động. Dân chủ phải đi đôi với kỷ cương, có thể nói dân chủ đã có những bước tiến đáng ghi nhận, nhưng kỷ cương lại không theo kịp. Vi phạm giao thông, vượt đèn đỏ, chen lấn, không xếp hàng, xả rác, bật loa đài ầm ĩ, gây mất trật tự nơi công cộng, bán hàng giả, làm ăn chộp giật... Cho đến vi phạm nội quy lao động, kỷ luật cơ quan, tham nhũng, lãng phí diễn ra khá phổ biến và đều xuất phát từ ý thức chấp hành pháp luật” - đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nói.

Theo đại biểu, điều vô cùng nguy hiểm là nhiều khi việc không tuân thủ pháp luật được coi là một việc rất bình thường. Thậm chí người chấp hành pháp luật dừng xe khi có đèn đỏ và không có cảnh sát thì bị gọi là “hâm”. Việc không tuân thủ pháp luật từ những việc đơn giản đã tác động đến ý thức chấp hành pháp luật ở nhiều lĩnh vực khác. Khi nói đến tình trạng này một số người thường nói "dân mình kém ý thức", vậy ý thức chấp hành pháp luật kém có phải là bản chất của người Việt?

Cũng là người Việt, nhưng khi ra nước ngoài thì chấp hành pháp luật về giao thông, trật tự, vệ sinh rất nghiêm túc. Nhưng khi quay về Việt Nam họ lại vi phạm. Ngược lại, nhiều người nước ngoài khi đến Việt Nam một thời gian thì có những vi phạm giống người Việt Nam.

“Rõ ràng ở đây không chỉ có lỗi của người vi phạm mà còn có nguyên nhân rất quan trọng đó là bất cập, yếu kém trong vấn đề quản lý nhà nước. Tôi cho rằng cần phân tích sâu hơn vấn đề này để có giải pháp khắc phục. Nếu chỉ có tuyên truyền, treo pano, dán áp phích thì không đủ. Cần có giải pháp đồng bộ từ ban hành phổ biến giáo dục pháp luật, bảo đảm các điều kiện thi hành pháp luật cho đến thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Về pháp luật, cần đảm bảo tính khả thi phù hợp với thực tiễn. Ví dụ khi quy định cấm đi bộ dưới lòng đường thì phải có chỗ cho người đi bộ trên vỉa hè; cấm xả rác thì phải có thùng rác công cộng... Hình thức xử phạt phải nghiêm minh, có tính răn đe cao, nhưng phải phù hợp với thực tiễn và mức độ vi phạm. Đừng ban hành những quy định kiểu như khi người dân chỉ quên gạt chân chống xe máy thì có thể bị phạt đến vài triệu đồng và tước giấy phép lái xe; hoặc ban hành thông tư bắt buộc xe ô tô con phải có bình chữa cháy... Quy định không hợp lý sẽ khó đi vào thực tiễn và làm mất quyền uy của văn bản pháp luật” - đại biểu Nguyễn Mạnh Cường bày tỏ.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cũng nhấn mạnh: Pháp luật hiện nay chỉ mới thi hành ở phần ngọn, tức là chỉ giải quyết những việc đã rồi, còn nguyên nhân từ đâu không ai tìm hiểu, cũng không ai chịu trách nhiệm như vấn đề tai nạn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Đừng để người hưởng chính sách thành con nợ

Đại biểu Nguyễn Sỹ Hội (Nghệ An) cho rằng hệ thống chính sách đối với người có công nhìn về mặt tổng thể có nhiều tiến bộ; nhưng hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Hội (Ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu Nguyễn Sỹ Hội (Ảnh: Quochoi.vn)

“Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri thấy người nghèo, người có công rất mừng khi có thông tin. Nhưng bây giờ vay tiền làm nhà xong lại thành con nợ, rất xót xa. Hoặc hướng dẫn hồ sơ đối với người phơi nhiễm chất độc hóa học, chúng ta đã trao đổi nhiều nhưng còn chậm nên nhân dân rất băn khoăn. Chế độ thờ cúng liệt sĩ đối với thân nhân liệt sĩ có 500.000 đồng một năm.

Cử tri nói, không có các bác thì nhà em cũng phải thờ cúng, một năm chúng tôi cúng giỗ 1 lần; 27/7, xã mời lên nhưng về nhà cũng phải thắp hương. Họ nói: các bác đi xe một đôi tỷ, xăng cao các bác kêu; 7 – 8 máy điều hòa nhiệt độ, điện lên các bác kêu. Nhà em không biết kêu ai? Đây là một trong những trăn trở, đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn nữa để tạo điều kiện cho chúng ta ổn định” - ông Nguyễn Sỹ Hội nói.

Đại biểu cũng khẳng định, qua khảo sát và công tác tại cơ sở cho thấy những gia đình chính sách, người có công, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Thực trạng cuộc sống của những con người này tác động trực tiếp đến công tác giáo dục truyền thống bảo vệ Tổ quốc, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá: So sánh với các nước cùng điều kiện kinh tế - xã hội như Việt Nam, chúng ta đã thấy thua kém rất xa. Nguyên nhân vì sao, do thấp bé nhẹ cân hay dân trí thấp, thiếu kỹ năng hay do đào tạo chưa đến nơi đến chốn?

Trong báo cáo của Chính phủ có đánh giá hạn chế yếu kém như: năng lực còn hạn chế, chính sách thiếu tầm nhìn, nguồn lực, năng suất lao động chất lượng, năng lực cạnh tranh thấp, ứng dụng khoa học công nghệ, hệ thống pháp luật nhân dân…

Bà Nguyễn Thị Khá đề nghị Chính phủ làm rõ và tìm giải pháp xác thực hơn và phải có trách nhiệm; còn nếu những chữ đó cứ lặp lại, thì điệp khúc vẫn còn mãi mãi.

Theo Lại Thìn

Vov.vn