Kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Chuyện xây Phủ thờ Bác Hồ ở Cà Mau

(Dân trí) - Phủ thờ Bác Hồ ở xã Trí Lực (huyện Thới Bình, Cà Mau) là một trong những Phủ thờ được xây dựng sớm nhất ở tỉnh Cà Mau. Để có được một nơi thờ Bác trang nghiêm như hiện nay là cả một quá trình xây dựng gian nan của quân, dân địa phương.

Ông Huỳnh Minh Tâm (năm nay 77 tuổi, người có 6 năm trông coi Phủ thờ Bác Hồ) mỗi khi đến ngày sinh nhật Bác, ông Tâm lại bồi hồi xúc động với quãng thời gian ông làm người “canh đền”, hương khói cho Bác ở Phủ thờ. 

Trò chuyện với chúng tôi dịp 125 năm ngày sinh của Bác, ông Tâm cho biết, tại xã Trí Lực, để có được một Phủ thờ Bác trang nghiêm như hiện nay là cả một khoảng thời gian khó khăn vất vả của quân dân địa phương. Song ai cũng hiểu được rằng, tham gia xây dựng Phủ thờ Bác là một niềm hạnh phúc, thể hiện tấm lòng kính yêu đối với Bác.

Toàn cảnh phía trước Phủ thờ Bác Hồ ở xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.
Toàn cảnh phía trước Phủ thờ Bác Hồ ở xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

Phủ thờ Bác Hồ.
Phủ thờ Bác Hồ.

Ông Tâm kể lại, từ những năm 1969, chiến tranh rất ác liệt khi địch mở chiến dịch “nhổ cỏ U Minh” ở vùng đất Cà Mau này. Khi đó, tại huyện Thới Bình, địch cho đóng hàng chục đồn, chốt để càn quét, đánh phá căn cứ cách mạng của ta. Đầu tháng 9/1969, khi hay tin Bác từ trần, cán bộ, nhân dân địa phương rất thương tiếc Bác. Nhưng với lòng tôn kính Bác, quân dân địa phương đã hạ quyết tâm đánh địch để báo công lên Bác. Sau đó, quân dân mở một số trận đánh chiếm khiến nhiều đồn nhỏ của địch bỏ chạy, chỉ còn lại một số đồn, chốt lớn.

Lúc bấy giờ, đồng chí Huỳnh Đảm (nguyên là Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam) là Bí thư huyện Đoàn huyện Thới Bình. Đồng chí Huỳnh Đảm có suy nghĩ rằng, đồn địch bỏ chạy rồi nên đề nghị làm một Phủ thờ để tưởng nhớ công ơn Bác ở đây. Ý kiến này được Chủ tịch MTTQ huyện Nguyễn Ngọc Báu cùng thống nhất xin ý kiến Huyện ủy. Sau đó, Huyện ủy thông qua Tỉnh ủy và đồng ý cho dựng Phủ thờ Bác. Toàn bộ công việc xây dựng Phủ thờ đều giao cho đồng chí Huỳnh Đảm chủ trì chịu trách nhiệm.

Bức tượng bán thân Bác Hồ bằng đồng nặng 300 tấn bên trong Phủ thờ.
Bức tượng bán thân Bác Hồ bằng đồng nặng 300 tấn bên trong Phủ thờ.

Ông Tâm nhớ lại, do khu vực này là vùng đất lung trũng, lau sậy, bom đạn nhiều nên việc để có một nền đất dựng Phủ thờ không phải dễ dàng. Ngoài ra, thời điểm này còn chiến tranh nên trước mắt, đồng chí Huỳnh Đảm liên hệ làm một Tổ y tế lưu động để có thể túc trực điều trị cho lực lượng làm ở đây. Sau đó, vận động lực lượng thanh niên từ 18 đến 40 tuổi, rồi vận động quần chúng nhân dân hỗ trợ. Mỗi một xã bao nhiêu ấp, mỗi ấp bao nhiêu lực lượng tập trung vào đây để làm. Để có đất làm nền, lực lượng tham gia xây dựng mượn xuồng ghe của nhân dân tìm nhiều nơi có đất, đào chở về đây, cho càn sậy lấp đất. Đến ngày 26/3/1973 mới bắt đầu thi công tạo mặt bằng làm Phủ thờ. Hàng ngày hàng đêm túc trực ở đây từ 300 lực lượng để thực hiện nên lãnh đạo địa phương phải bố trí một Tổ phòng không gác báo động phát hiện địch, cảnh giác pháo của địch để đối phó. Do phải vừa làm vừa tránh sự càn quét của địch nên đến tháng 12/1973 mới hoàn thành mặt bằng.


Nhiều hình ảnh, hiện vật về Bác được trưng bày bên trong Phủ thờ.
Nhiều hình ảnh, hiện vật về Bác được trưng bày bên trong Phủ thờ.

Đến đầu năm 1974, Ban xây dựng Phủ thờ phân công người liên hệ xin lá, cây gỗ của nhân dân địa phương trong vùng gom mang về để làm. Rồi nhờ tới những người lớn tuổi biết làm thợ mộc, vận động hỗ trợ ăn cơm nhà, suất công làm Phủ thờ với khí thế rất hăng hái. Phủ thờ Bác ban đầu làm bằng lá, cây gỗ có chiều ngang 9m, dài 12m. Bên cạnh đó có nhà khách cũng làm bằng lá, cây gỗ. “Phủ thờ đơn sơ nhưng đây là nơi bà con nhân dân địa phương tưởng nhớ Bác, tỏ lòng thành kính, ghi công ơn Bác đã vì nước, vì dân. Từ khi Phủ thờ được xây dựng, lúc nào hương khói cũng nghi ngút để Bác được ấm lòng”, ông Tâm chia sẻ.

Hồ cá trong Phủ thờ hiện nay, trước đây là hố bom Mỹ.
Hồ cá trong Phủ thờ hiện nay, trước đây là hố bom Mỹ.

Đến năm 1978, cây gỗ Phủ thờ bị hư hại nên cần phải trùng tu lại. Lúc này, ông Trần Văn Nở (Trưởng phòng Thương binh huyện về hưu) đã xin lãnh đạo cho nâng cấp Phủ thờ. Do kinh phí thời điểm đó eo hẹp nên đề nghị làm Phủ thờ nhỏ lại, còn khoảng ngang 6,9m. Đến năm 2010, Phủ thờ tiếp tục được cho sửa lại như ngày nay. 

Ông Tâm cho biết, hàng năm vào các ngày Tết, lễ, kỷ niệm, có nhiều đoàn thể của Tỉnh, huyện và ngoài tỉnh đến viếng Bác, làm lễ báo công. Từ năm 2007 đến nay, mỗi năm đón khoảng 10.000 lượt người đến Phủ thờ này thăm, viếng Bác. Cũng từ khi có Phủ thờ Bác mà ấp 6 xã Trí Phải (sau này tách ra thành xã Trí Lực) được đổi thành ấp Phủ Thờ và đây cũng là nơi xuất xứ cây vú sữa miền Nam của một bà má gửi tặng Bác Hồ năm 1954. Phủ thờ Bác Hồ xã Trí Lực cũng đã được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Hồ cá trong Phủ thờ hiện nay, trước đây là hố bom Mỹ.
Ông Huỳnh Minh Tâm- người có nhiều năm trông coi Phủ thờ Bác Hồ xã Trí Lực bồi hồi xúc động mỗi khi nói đến Bác Hồ kính yêu.

Ông Huỳnh Minh Tâm trông coi Phủ thờ Bác ở xã Trí Lực từ năm 2006 đến hết 2012 rồi giao lại cho một người cháu là anh Bùi Văn Phấn. Theo ông Tâm, trước đó cũng có nhiều người trông coi Phủ thờ nhưng thời gian không dài, có người chỉ làm khoảng 3 tháng, có người được 2 năm. Vì thế, ông Tâm được xem là người trông coi Phủ thờ Bác lâu nhất. Là người từng tham gia bộ đội, bị thương rồi chuyển sang làm công an an ninh QK9 và sau 1975 tham gia Hội Cựu chiến binh nên ông Tâm rất có uy tín ở địa phương.

Bày tỏ cảm xúc của mình khi hay tin ngày Bác mất cũng như được giao trông coi Phủ thờ Bác sau này, ông Tâm xúc động: “Làm người cán bộ cách mạng lúc nào cũng tôn trọng, tôn kính Bác, tin tưởng triệt để sự lãnh đạo của Bác. Ngày hay tin Bác từ trần, lúc đó tôi đang chỉ đạo công tác an ninh ở thị xã Vị Thanh, Hậu Giang, cũng như nhiều đồng bào khác, tôi đau xót lắm. Chúng tôi đã cùng nhau làm lễ tang, truy điệu Bác và hứa với Bác sẽ chiến đấu hết mình để đất nước sớm giành được độc lập như Bác từng hằng mong. Giờ khi đất nước độc lập, trong lòng người cán bộ, chiến sĩ cách mạng luôn luôn coi Bác là cha già kính yêu nhất, vì thế khi làm công việc trông coi Phủ thờ Bác, tôi luôn giữ chữ kính. Tôi làm tất cả vì tấm lòng của một người con, người cháu như đối với ông bà, tổ tiên mình. Sau khi giao lại Phủ thờ cho người khác trông coi, tôi cũng nhấn mạnh với con cháu mình tấm lòng đó đối với Bác”. 

                                                                                                Huỳnh Hải