Chuyến công du Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chuyến đi “3 trong 1”

(Dân trí) - Trong chuyến công du tới Nhật Bản, các hoạt động đối thoại cởi mở của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã để lại nhiều ấn tượng. Thủ tướng gọi đây là chuyến đi “3 trong 1” và bày tỏ tin tưởng rằng “sự thành công của Việt Nam được đánh giá chính bằng sự hài lòng và thành công của các bạn”.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung đã có cuộc trao đổi về kết quả, ý nghĩa sau chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Chuyến đi “3 trong 1”

- Phóng viên: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Nhật Bản. Xin Thứ trưởng cho biết một vài nét về mục đích chuyến thăm?

- Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 4/6 - 8/6/2017. Chuyến thăm có 3 nội dung lớn, bao gồm: Thăm chính thức Nhật Bản; tham dự và phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam, thúc đẩy đầu tư hỗ trợ của Nhật Bản cho Việt Nam; tham dự và phát biểu tại Hội nghị Tương lai Châu Á lần thứ 23.

Nhật Bản và Việt Nam là đối tác chiến lược sâu rộng. Nhật Bản là đối tác chiến lược về kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước cung cấp viện trợ phát triển ODA lớn nhất, thứ hai về đầu tư trực tiếp nước ngoài, thứ ba về du lịch, thứ tư về thương mại. Hai nước đều coi trọng và có chung mong muốn tăng cường quan hệ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước trên mọi lĩnh vực (ảnh: Reuters)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước trên mọi lĩnh vực (ảnh: Reuters)

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhật Bản là nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước trên mọi lĩnh vực; thúc đẩy liên kết giữa hai nền kinh tế cả ở cấp trung ương và địa phương thông qua tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như đầu tư, thương mại, ODA, lao động, nông nghiệp, trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm vì hòa bình, ổn định và sự phồn vinh chung tại khu vực và trên thế giới nói chung.

- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ đã có chương trình làm việc với 50 hoạt động đa dạng tại Nhật Bản, Thứ trưởng có thể trao đổi rõ hơn?

- Trong thời gian thăm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc hội đàm, hội kiến và làm việc với các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của chính giới Nhật Bản như Nhà vua và Hoàng hậu, Thủ tướng Abe, Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Mê Công, Thống đốc của 6 địa phương.

Các hoạt động xúc tiến đầu tư được chú trọng dành thời gian quan tâm cao, trong đó Thủ tướng và đoàn ta đã có các cuộc gặp gỡ lãnh đạo các tổ chức kinh tế lớn như Liên đoàn kinh tế Nhật Bản (Keidanren), Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO).

Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng Thủ tướng Abe tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam tại Tokyo. Hội nghị có quy mô lớn nhất được tổ chức tại Nhật Bản từ trước tới nay, với sự tham gia của trên 1600 doanh nghiệp hai nước. Thủ tướng chủ trì 4 cuộc tọa đàm và đối thoại với trên 100 tổ chức kinh tế và doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản ở khu vực Tokyo và Kansai về các lĩnh vực năng lượng, công nghệ thông tin và tài chính - ngân hàng, tiếp lãnh đạo một số tập đoàn lớn có dự án hợp tác với Việt Nam...

Kết quả thực chất làm sâu sắc hơn quan hệ Việt - Nhật

- Kết quả thực chất đạt được trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhật Bản như thế nào, thưa Thứ trưởng?

- Chúng ta có thể vui mừng với kết quả tốt đẹp của chuyến thăm thể hiện ở nhiều phương diện, trong đó có một số kết quả chính.

Hai bên đã ra tuyên bố chung về việc làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản, làm định hướng cho khuôn khổ hợp tác hai nước trong thời gian tới với những biện pháp rất cụ thể trên nhiều phương diện quan trọng, từ chính trị an ninh quốc phòng, kinh tế thương mại, đến giáo dục, giao lưu văn hóa và nhiều lĩnh vực khác, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của Chính phủ và nhân dân hai nước.

Chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đạt được kết quả tốt đẹp ở nhiều phương diện (ảnh: Reuters)
Chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đạt được kết quả tốt đẹp ở nhiều phương diện (ảnh: Reuters)

Chuyến thăm có những kết quả rất cụ thể và thiết thực (đó là con số trên 22 tỷ USD các dự án đầu tư và ODA được ký kết trong đó có nhiều dự án lớn về năng lượng cơ sở hạ tầng, biến đổi khí hậu). Những nội dung thiết thực trong Hội đàm và các cuộc trao đổi thể hiện sự tin cậy mang tính chiến lược giữa hai nước ở mức độ cao. Đây chính những điều kiện thuận lợi để Việt Nam và Nhật Bản thúc đẩy quan hệ chiến lược một cách sâu rộng thực chất hơn nữa trong thời gian tới...

- Xin Thứ trưởng cho biết một vài nét về Hội nghị Tương lai Châu Á lần thứ 23 và đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị này?

- Nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản lần này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị quốc tế về Tương lai Châu Á lần thứ 23, tổ chức tại Tokyo từ 5-6/6/2017. Đây là một diễn đàn đối thoại chính sách có uy tín ở khu vực. Tham dự Hội nghị có hơn 500 đại biểu là lãnh đạo và quan chức cao cấp, đại diện giới học giả, tổ chức quốc tế, khu vực doanh nghiệp Nhật Bản và nhiều quốc gia châu Á.

Với chủ đề “Chủ nghĩa toàn cầu giữa ngã tư đường - Bước đi tiếp theo của Châu Á”, Hội nghị đã thảo luận về các xu thế lớn có ảnh hưởng đến sự phát triển của Châu Á, cơ hội và thách thức mà các nước Châu Á đang đối mặt. Một số vấn đề được Hội nghị đặc biệt quan tâm như làn sóng chủ nghĩa bảo hộ và tác động tới tiến trình liên kết kinh tế quốc tế; ASEAN sau 50 năm; tình hình an ninh chính trị tại các khu vực; những thách thức phi truyền thống. Tiếng nói chung của Hội nghị là quá trình toàn cầu hoá trong những thập kỷ qua đã đóng góp quan trọng vào "sự phát triển thần kỳ" của Châu Á.

Các hoạt động đối thoại cởi mở của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm Nhật Bản đã để lại nhiều ấn tượng (ảnh: VGP)
Các hoạt động đối thoại cởi mở của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm Nhật Bản đã để lại nhiều ấn tượng (ảnh: VGP)

Việc Ban Tổ chức đã sớm mời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm khách mời danh dự và phát biểu khai mạc Hội nghị cho thấy sự coi trọng đối với cá nhân Thủ tướng và vai trò của Việt Nam trong sự phát triển của khu vực. Với sự tham dự của Thủ tướng tại Hội nghị, chúng ta đã đóng góp tiếng nói ở cấp cao vào những vấn đề đang rất được quan tâm ở khu vực và trên thế giới là toàn cầu hoá, thúc đẩy thương mại tự do, phát triển bền vững và bao trùm.

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng đã đánh giá sâu sắc về quá trình toàn cầu hoá và những thách thức lớn đặt ra đối với Châu Á. Với tầm nhìn về một Châu Á hoà bình, thịnh vượng, nơi mà giấc mơ của mọi quốc gia lớn nhỏ đều phải được lắng nghe, Thủ tướng đã đưa ra ba nhóm biện pháp quan trọng về duy trì môi trường hòa bình, ổn định, giải quyết bài toán mô hình phát triển, và tối ưu hoá nguồn lực để các nước cùng phối hợp thực hiện.

Thủ tướng cũng chia sẻ về kinh nghiệm của Việt Nam, nhấn mạnh quá trình đổi mới, phát triển phải gắn liền với hội nhập quốc tế và liên kết kinh tế khu vực; khẳng định quyết tâm tiếp tục đổi mới, xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính cũng như chủ trương chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng. Các quan điểm và đề xuất của Thủ tướng đã nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của phía Nhật Bản và Hội nghị nói chung.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Châu Như Quỳnh (ghi)