Chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 115 năm ngày sinh nhà cách mạng Lương Khánh Thiện

(Dân trí) - Lễ Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh ông Lương Khánh Thiện, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tặng 9 nữ liệt sĩ dân quân Lam Hạ và Chương trình nghệ thuật “Hà Nam đất mẹ anh hùng” do Báo Nhân dân phối hợp với UBND tỉnh Hà Nam sẽ được tổ chức vào 20h ngày 10/10, tại tỉnh Hà Nam.

Sáng nay (1/10), tại Hà Nội, Báo Nhân dân và UBND tỉnh Hà Nam phối hợp tổ chức Họp báo về các hoạt động kỷ niệm 115 năm Ngày sinh ông Lương Khánh Thiện (1903-2018).

Quang cảnh cuộc họp báo...
Quang cảnh cuộc họp báo...

Theo Ban tổ chức, căn cứ vào Kết luận số 88 (ngày 18/2/2014) của Bộ Chính trị; Công văn 5702 (ngày 3/1/2018) của Văn phòng Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Hà Nam phối hợp với Báo Nhân dân, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hoạt động kỷ niệm 115 năm ngày sinh ông Lương Khánh Thiện (13/10/1903-13/10/2018).

Ban Tổ chức cho biết, nội dung trọng tâm của các hoạt động kỷ niệm bao gồm: Hội thảo khoa học “Đồng chí Lương Khánh Thiện với cách mạng Việt Nam và quê hương Hà Nam” do Tỉnh ủy Hà Nam và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức vào 8h ngày 9/10 và Lễ Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của ông Lương Khánh Thiện, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tặng 9 nữ liệt sĩ dân quân Lam Hạ và Chương trình nghệ thuật “Hà Nam đất mẹ anh hùng” do Báo Nhân dân phối hợp với UBND tỉnh Hà Nam tổ chức vào 20h ngày 10/10. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng Truyền hình Nhân dân, Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nam và một số đài Phát thanh – Truyền hình địa phương trên cả nước.

Nhân dịp này, Tỉnh ủy Hà Nam cũng sẽ tổ chức khánh thành công trình Nhà lưu niệm đồng chí Lương Khánh Thiện tại Quần thể khu di tích lịch sử - văn hóa – tâm linh Đình Tràng, phường Lam Hạ, TP Phủ Lý.

Tại cuộc họp báo, ông Bùi Quang Cẩm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam sơ lược cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Lương Khánh Thiện:

Ông Lương Khánh Thiện, sinh ngày 13/10/1903, quê ở thôn Mễ Thượng, xã Mễ Tràng, tổng Mễ Tràng, huyện Thanh Liêm, sau là xã Liêm Chính, huyện Thanh Liêm (nay là tổ phố Mễ Thượng, phường Liêm Chính, TP Phủ Lý – Hà Nam). Ông sinh ra và lớn lên trong gia đình nhà nho nghèo, yêu nước. Năm 1923, ông rời quê hương ra thành phố Hải Phòng học Trường Kỹ nghệ thực hành và được giác ngộ cách mạng.

Năm 1925, ông Lương Khánh Thiện tham gia vận động học sinh bãi khóa, viết đơn đòi trả tự do cho nhà yêu nước Phan Bội Châu. Năm 1926, ông về Nam Định làm thợ nguội Nhà máy sợi.

Năm 1927, ông được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Định. Đầu năm 1928, ông trở lại Hải Phòng làm việc ở Nhà máy Tơ, bắt mối liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hải Phòng.

Tháng 4/1929, ông được kết nạp vào Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Hải Phòng. Tháng 8/1929, Tỉnh ủy lâm thời Hải Phòng thành lập, ông được phân công phụ trách xây dựng cơ sở, tổ chức đảng ở Nhà máy Chai.

Ông Bùi Quang Cẩm tóm tắt cuộc đời hoạt động cách mạng của liệt sĩ Lương Khánh Thiện.
Ông Bùi Quang Cẩm tóm tắt cuộc đời hoạt động cách mạng của liệt sĩ Lương Khánh Thiện.

Tháng 5/1930, ông bị mật thám Pháp bắt, giam ở nhà tù Hải Phòng. Ngày 29/1/1931, thực dân Pháp kết án ông tù khổ sai chung thân, đưa về giam ở nhà tủ Hỏa Lò (Hà Nội), mùa hè năm 1931, ông bị đày ra nhà tù Côn Đảo. Tháng 6/1936, ông được trả tự do và tiếp tục hoạt động tại Hà Nội.

Tháng 3/1937, Xứ ủy Bắc Kỳ chính thức thành lập lại, ông Lương Khánh Thiện được cử làm Xứ ủy lâm thời (đến tháng 9/1937) và Bí thư Thành ủy Hà Nội (đến năm 1938).

Ngày 29/12/1938, ông Lương Khánh Thiện bị địch bắt lần hai tại Hà Nội, sau đó được thả vì không có căn cứ kết tội. Tháng 1/1939, ông được đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy, lãnh đạo phong trào cách mạng Bắc Kỳ và Hà Nội đến tháng 9/1939.

Tháng 9/1939, ông Lương Khánh Thiện được cử đi chỉ đạo xây dựng căn cứ bí mật của Xử ủy ở tỉnh Phú Thọ. Tháng 10/1940, ông được phân công làm Bí thư Liên tỉnh B (gồm Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai, Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An) và trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng.

Ngày 18/1/1941, ông Lương Khánh Thiện bị địch bắt tại Hải Phòng, sau đó bị đưa về giam giữ tại Hỏa Lò (Hà Nội). Ngày 1/9/1941, ông Lương Khánh Thiện bị xử bắn tại Kiến An, Hải Phòng. Cho đến phút cuối của cuộc đời, ông vẫn giữ trọn lòng thủy chung, son sắc với Đảng, dân tộc, vững niềm tin tuyệt đối vào tương lai tất thắng của cách mạng.

Trong ảnh, hàng đầu từ phải qua trái: ông Lương Khánh Ninh (con trai liệt sĩ Lương Khánh Thiện), bà Lương Thúy Bình (con gái liệt sĩ Lương Khánh Thiện) và chồng bà Bình.
Trong ảnh, hàng đầu từ phải qua trái: ông Lương Khánh Ninh (con trai liệt sĩ Lương Khánh Thiện), bà Lương Thúy Bình (con gái liệt sĩ Lương Khánh Thiện) và chồng bà Bình.

Ghi nhớ, tri ân, tôn vinh tinh thần đấu tranh bất khuất, sự hy sinh anh dũng cùng những đóng góp to lớn của ông Lương Khánh Thiện cho sự nghiệp cách mạng, công trình tượng Đài Tưởng niệm Liệt sĩ Lương Khánh Thiện đã được dựng lên tại thị trấn Trường Sơn (An Lão, Hải Phòng), nơi ông hy sinh.

Trên quê hương Hà Nam, công trình nhà lưu niệm ông Lương Khánh Thiện đã hoàn thành xây dựng tại khu di tích lịch sử văn hóa tâm linh phường Lam Hạ, TP Phủ Lý. Cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương cũng đã lựa chọn một số đơn vị hành chính, công trình công cộng mang tên ông Lương Khánh Thiện, tại tỉnh Hà Nam có một phường và hệ thống trường mầm non, tiểu học, THCS mang tên Lương Khánh Thiện.

“Quê hương Hà Nam luôn tự hào với truyền thống cách mạng, với các thế hệ Việt Nam và những người con Hà Nam làm rạng rỡ non sông, đất nước, trong đó có ông Lương Khánh Thiện, người cộng sản kiên trung mẫu mực, nhà lãnh đạo tiền bối trong phong trào công nhân và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Hà Nam đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giành độc lập dân tộc và hình tượng 10 nữ liệt sĩ dân quân Lam Hạ, biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của người phụ nữ Việt Nam, tất cả để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, xây dựng đất nước Việt Nam tươi đẹp” – ông Bùi Quang Cẩm cho biết.

Nguyễn Dương