Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội được giới thiệu tái cử
(Dân trí) - Nhiều ủy viên Bộ Chính trị đã xin rút tại Hội nghị Trung ương 14 được đề cử tại đoàn để tham gia Ban chấp hành Trung ương khóa XII. Trong danh sách này có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng...
Đây là thông tin vừa được ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban thường trực Ban tuyên giáo Trung ương cho biết chiều 24/1, ngay sau khi các đoàn tiến hành thảo luận về phương án nhân sự.
Ông Vũ Ngọc Hoàng cho biết, các đoàn đại biểu đã giới thiệu thêm hơn 60 người ứng cử Ban chấp hành trung ương khóa XII. Trong đó, nhiều ủy viên Bộ Chính trị đã xin rút tại Hội nghị Trung ương 14 được đề cử tại đoàn để tham gia Ban chấp hành Trung ương khóa XII. Trong danh sách này có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải...
Quy trình tiếp theo sẽ như thế nào khi hiện giờ là danh sách nhân sự được giới thiệu vào Ban Chấp hành trung ương khóa XII đã là 62 người, vượt số dư đề ra 23 người so với dự kiến số dư 30% là 39 người?
Sẽ nghe ý kiến của những đồng chí được giới thiệu thêm xem ý họ như thế nào. Ví dụ như có người nào xin rút, sẽ xin ý kiến Đại hội về việc cho rút hay không cho rút, sau đó lập danh sách chính thức đưa ra bỏ phiếu.
Những người đã xin rút có được cho vào danh sách bỏ phiếu hay không?
Tôi nghĩ những người xin rút rồi vẫn được cho vào danh sách bỏ phiếu, nhưng cái này lại phụ thuộc vào quyết định của Đại hội vì sẽ có bước Đại hội họp lại, nghe và quyết định lại.
Nghĩa là quy trình trong chiều nay danh sách sẽ được tập hợp tất cả, sau đó có ai xin rút sẽ ghi phiếu xin rút, còn nếu ai không xin rút thì thôi?
Đúng vậy.
Vậy với những ai đã xin rút, đơn xin rút sẽ được Đoàn Chủ tịch xử lý hay Đại hội xử lý?
Đại hội sẽ giải quyết việc này. Đoàn Chủ tịch báo cáo cho Đại hội, xin ý kiến Đại hội cho rút hay không. Theo như quy chế thì Đại hội sẽ quyết định việc đó.
Với những người ngày mai xin rút?
Ý kiến cá nhân tôi là ai xin rút thì nên để cho rút hết. Vì mình đang phấn đấu để tiến đến tranh cử nên việc này là tự nguyện, là việc của người ta, tự do của người ta. Tại làm sao cứ bắt giữ lại? Ngày nay cũng không phải là thiếu cán bộ. Cho nên đồng chí nào xin rút, cá nhân tôi đồng ý.
Trong Đảng, việc xin rút không phải động tác giả đâu, xin rút thật chứ. Nên để các đồng chí ấy rút.
Nhưng nếu đại hội vẫn bỏ phiếu quá bán, thì vẫn được bầu?
Đương nhiên.
Sau khi trúng cử, bước tiếp theo sẽ như thế nào?
Tất cả các đồng chí trúng cử sẽ thuộc Ban chấp hành mới. Ban chấp hành mới họp lại, bàn bạc ai vào Bộ chính trị, ai vào Ban Bí thư, ai làm Tổng bí thư. Cái này thuộc quyền Ban chấp hành mới. Ban chấp hành cũ tiến hành giới thiệu nhân sự lên Ban chấp hành mới. Điều này là trách nhiệm rất quan trọng của Ban chấp hành cũ. Còn quyết định cuối cùng là Ban chấp hành mới.
Cá nhân ông nghĩ như thế nào khi đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng và đồng chí Trương Tấn Sang đều đã được làm nhân sự rất kỹ và đều xin rút, được Trung ương cho rút rồi nhưng lại có người đề cử tiếp?
Cái đó là ý kiến của cá nhân từng đại biểu. Cái đó cũng là dân chủ, được tôn trọng. Các đại biểu họ có quyền đề cử.
Thưa ông, trong trường hợp các đồng chí Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng vẫn được để trong danh sách bầu, nếu các đồng chí Uỷ viên trung ương vẫn bầu cho các đồng chí trúng cử thì có vi phạm quy chế bầu cử không?
Tôi nghĩ là thế này, các đồng chí đó có ở lại trong danh sách không là do Đại hội quyết định. Nếu như Đại hội quyết định ở trong danh sách thì ở trong danh sách. Đại hội quyết định không ở trong danh sách thì không ở trong danh sách. Còn ở trong danh sách thì trúng hay không là phụ thuộc ở phiếu bầu. Và trúng hay không cũng bình thường, dân chủ.
Tức là lúc bấy giờ, các Uỷ viên trung ương đương nhiệm không bị áp lực gì về vấn đề bỏ phiếu?
Không có áp lực gì. Vì bỏ phiếu kín lên hoàn toàn không có áp lực.
Ông có ý kiến gì về danh sách ứng cử, đề cử thêm ngoài danh sách của Ban chấp hành Trung ương lần này không?
Tôi thấy cách làm chiều nay là rất dân chủ. Ý kiến của một người hay cả đoàn giới thiệu cũng được ghi vào danh sách. Người Ban chấp hành hay không Ban chấp hành cũ cũng được ghi vào danh sách. Người ở ngoài đại hội cũng ghi danh sách. Những người ở ngoài đại hội cũng không ít và bây giờ các đồng chí ấy sẽ được thông báo là được giới thiệu để chuẩn bị hồ sơ. Và phải hỏi ý kiến họ. Cái đó cũng là dân chủ. Cho nên những người được giới thiệu phải hỏi ý kiến họ xem họ có đồng ý không.
Xin cảm ơn ông!
Ngày 24/1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng bước sang ngày làm việc thứ 4. Cả ngày, các đại biểu làm việc tại Đoàn, thảo luận về tiêu chuẩn, cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; nghiên cứu danh sách đề cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (cả chính thức và dự khuyết) do Ban Chấp hành Trung ương khóa XI chuẩn bị.
Sau đó, các đại biểu tiến hành ghi phiếu ứng cử, đề cử thêm nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (ngoài danh sách do Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đề cử).
Đoàn Chủ tịch Đại hội sẽ nghe các Trưởng đoàn đại biểu dự Đại hội báo cáo về danh sách ứng cử, đề cử ( bổ sung) vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Trước đó, vào chiều 23/1, trên cơ sở nghiên cứu Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Đại hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XII là 200 đồng chí, gồm 180 đồng chí Ủy viên chính thức và 20 đồng chí Ủy viên dự khuyết.
Phúc Hưng - Anh Thế