Chủ tịch nước: Thanh Hóa cần đẩy mạnh các đột phá chiến lược
(Dân trí) - Đó là một trong những ý kiến nhấn mạnh của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, GDP đầu người đạt 3.600 USD trở lên…
Ngày 23/9, tỉnh Thanh Hóa tổ chức khai mạc đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Dự và chỉ đạo Đại hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và một số bộ, ban, ngành trung ương, lãnh đạo một số địa phương, cùng 447 đại biểu chính thức, đại diện cho trên 20 vạn đảng viên trong toàn Đảng bộ.
Báo cáo Chính trị trình đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII nêu: Giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm ước đạt 11,4%. Năm 2015, GDP ước đạt 34.891 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2010, xếp thứ 8 cả nước; GDP bình quân đầu người ước đạt 1.530 USD gấp 1,9 lần năm 2010.
Tốc độ tăng trưởng bình quân của sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng năm ước đạt 4%; công nghiệp, xây dựng tăng trưởng bình quân hàng năm 13,7%; công trình trọng điểm quốc gia Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng mức đầu tư lớn nhất cả nước từ trước đến nay, được khởi công xây dựng; dịch vụ bình quân hàng năm ước đạt 11,9%.
Tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản trong GDP giảm từ 24,2% năm 2010 xuống còn 17,6% năm 2015; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 41,4% lên 42%; tỷ trọng ngành dịch vụ tăng từ 34,4% lên 40,4%; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ.
Về thu hút đầu tư, giai đoạn 2011 - 2015, Thanh Hóa xếp thứ 6 cả nước với số vốn đăng ký là 12,8 tỷ USD. Nhiều dự án lớn được xây dựng và đưa vào sử dụng như: Đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn; Cảng Hàng không Thọ Xuân; sân golf và khu nghỉ dưỡng quốc tế FLC...
Các công trình văn hóa lớn, như: Chính điện Lam Kinh, Đền thờ Mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sĩ, Nhà hát Lam Sơn... được hoàn thành và đưa vào sử dụng; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục...đạt nhiều thành tựu quan trọng; lĩnh vực phòng chống tham nhũng trong 5 năm, đã khởi tố, điều tra 48 vụ, với 100 bị can về tội tham nhũng và kinh tế…
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, còn một số hạn chế như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế và GDP bình quân đầu người chưa đạt mục tiêu đại hội; sản xuất nông nghiệp còn manh mún, thiếu bền vững; chất lượng nông sản, an toàn thực phẩm chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội còn cao; chất lượng giáo dục giữa các vùng miền chưa đồng đều; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu xã hội; tình trạng quá tải tại các bệnh viện công lập còn phổ biến, trong khi một số bệnh viện tư nhân chưa được khai thác có hiệu quả; tiếp nhận, bố trí, sử dụng cán bộ; năng lực cán bộ ở một số ngành, lĩnh vực, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu…
Nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ tới (đến năm 2020): Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP bình quân 5 năm đạt 12%/năm trở lên; GRDP bình quân đầu người đạt 3.600 USD trở lên; cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP: nông, lâm, thủy sản chiếm 12%; công nghiệp - xây dựng chiếm 53,7%; dịch vụ chiếm 34,3%; tổng sản lượng lương thực bình quân hàng năm giữ ổn định 1,5 triệu tấn; tổng giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD trở lên; tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 610 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 35% trở lên; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 50% trở lên; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân hằng năm 11%; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội chiếm 35 - 38%; đạt 10 bác sĩ và 28,4 giường bệnh/vạn dân; giải quyết việc làm mới cho 330 nghìn người trở lên; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 70% trở lên…
Đại hội cũng đề ra 5 chương trình trọng tâm gồm: Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp; giảm nghèo nhanh và bền vững; phát triển du lịch và đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó là 4 khâu đột phá được xác định: Phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Phát biểu chỉ đạo đại hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Trong bối cảnh tình hình đất nước có nhiều khó khăn, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu quan trọng và tương đối toàn diện trên các lĩnh vực.
Theo Chủ tịch nước, thành tựu đã đạt được là rất phấn khởi và đáng tự hào, song cần nghiêm túc, thẳng thắn thấy rằng tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa trên cả 3 vùng miền còn chưa được khai thác, phát huy có hiệu quả. Hiện nay, Thanh Hóa vẫn là tỉnh nghèo. Một số công trình, dự án lớn do trung ương đầu tư, kết quả thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước còn thấp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt chỉ tiêu đề ra, kinh tế phát triển chưa bền vững, tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào các lĩnh vực còn chậm, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp, chưa có sản phẩm có thương hiệu, có uy tín cao trên thị trường. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch còn chậm; thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với bình quân cả nước. Tiến độ triển khai một số dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn còn chậm. Kết cấu hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Chất lượng giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội trên một số mặt còn hạn chế; giảm nghèo chưa bền vững; tỷ lệ hộ nghèo ở nhiều vùng còn cao; đời sống một số bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng khiếu kiện, nhất là đất đai, có xu hướng gia tăng. Việc truyền đạo trái phép, tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp; ô nhiễm môi trường, tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông còn gây bức xúc trong nhân dân. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI ở một số Đảng bộ chưa tạo được sự chuyển biến rõ nét. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của một số cơ quan quản lý chính quyền; năng lực đội ngũ cán bộ ở một số ngành, lĩnh vực còn hạn chế. Cải cách hành chính còn chậm; công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu đề ra.
Chủ tịch nước đề nghị phân tích làm rõ nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân vì sao chưa khai thác, phát huy có hiệu quả cao nhất tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa, từ đó đề ra những giải pháp sớm khắc phục được tình hình nói trên trong nhiệm kỳ tới.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương có nguồn lao động dồi dào, cần cù, thông minh, sáng tạo; tài nguyên phong phú; có hệ thống giao thông tương đối đồng bộ; nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế toàn diện; có nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế. Cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, hoàn thiện quy hoạch phù hợp với định hướng phát triển; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh kinh tế. Cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư để thu hút mạnh mẽ được các nguồn vốn trong và ngoài nước; đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong tất cả các ngành kinh tế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tạo sự phát triển mạnh mẽ, đột phá trong nhiệm kỳ tới.
Đẩy mạnh phát triển những ngành công nghiệp cơ bản, công nghiệp công nghệ cao; phát triển mạnh mẽ các loại hình dịch vụ, nhất là dịch vụ cảng biển, vận tải, kho bãi, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm về vận tải - cảng biển của khu vực Bắc Trung Bộ. Khai thác có hiểu quả các di sản văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, công nghệ cao; thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới, ưu tiên cho các xã biên giới, các xã còn nhiều khó khăn, địa bàn nhảy cảm về quốc phòng, an ninh… Hết sức lưu ý liên kết vùng với các tỉnh trong vùng, nâng cao hiệu quả phát triển toàn vùng và quan tâm tới bảo vệ môi trường, quy hoạch phát triển đô thị hiện đại…
Quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội phù hợp, hài hòa với phát triển kinh tế. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, chương trình giảm nghèo, đặc biệt là giảm nghèo bền vững tại 7 huyện nghèo.
Cần thường xuyên củng cố tiềm lực về thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc, đặc biệt là thế trận lòng dân. Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, tăng cường đấu tranh, đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của nhân dân.
Làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật trong sạch, vững mạnh; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lỗi sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên…
Chủ tịch nước tin tưởng rằng: Trong những năm tới, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa, phát huy truyền thống cách mạng và những tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhất định sẽ tận dụng được thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đưa Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ, toàn diện trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 diễn ra từ ngày 22 - 25/9.
Duy Tuyên