TPHCM:
Chủ tịch HĐ Giám mục VN gửi thư kêu gọi hòa bình, phản đối Trung Quốc
(Dân trí) - Trước tình hình Trung Quốc ngang nhiên hạ giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Tổng giám mục Tổng giáo phận TPHCM, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam Phaolô Bùi Văn Đọc, đã có thư kêu gọi.
Dân trí xin đăng toàn văn Thư kêu gọi của Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam về tình hình biển Đông.
Từ ngày 2/5 vừa qua cho đến nay, Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 và một lực lượng lớn tàu bè các loại, trong đó có cả tàu quân sự vào xâm chiếm và hoạt động trong vùng biển đặc quyền và thềm lục địa của Việt Nam.
Trong các ngày 3-4/5, tàu quân sự Trung Quốc với sự yểm trợ của máy bay đã tấn công các tàu Kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam đang làm nhiệm vụ. Đây là hành vi khiêu khích và leo thang nghiêm trọng với ý đồ rõ ràng thực hiện từng bước kế hoạch xâm lược Việt Nam của Trung Quốc, bất chấp các nguyên tắc ứng xử Quốc tế mà Trung Quốc và Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS), Quy tắc ứng xử trên biển Đông (DOC). Tình hình này có nguy cơ đưa đến chiến tranh rất cao.
Quan ngại trước tình hình căng thẳng và nguy hiểm này, Hội đồng Giám mục Việt Nam, với trách nhiệm của mình, xin nêu lên quan điểm và kêu gọi như sau:
1 . GHCG luôn kiên trì lập trường xây dựng Hòa bình, phản đối chiến tranh. Hòa bình không làm mất điều gì, nhưng chiến tranh có thể làm mất tất cả. Vì thế, mọi tranh chất hiện nay cần phải kiên trì với đường lối đối thoại, loại trừ tất cả hành vi khiêu khích, gây hấn, kích động chiến tranh, hận thù của đôi bên. Chính quyền Trung Quốc phải ngừng ngay mọi hành vi xâm lăng này. Hãy để những lời của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI vang lên một lần nữa: “Đừng có ai chống lại người khác nữa, đừng, đừng bao giờ nữa!... Chiến tranh đừng bao giờ xảy ra, đừng bao giờ chiến tranh một lần nữa!” (Diễn từ tại Liên hiệp quốc, 1965). “Hòa bình chỉ thể hiện chính mình trong hòa bình, một nền hòa bình không tách rời khỏi những đòi hỏi của công lý nhưng được nuôi dưỡng bởi sự hy sinh cá nhân, sự khoan dung, lòng thương xót và tình yêu” (Thông điệp ngày thế giới hòa bình, 1975).
2. Với Chính phủ Việt Nam, tuy phải kiên trì đường lối ngoại giao, đối thoại để giải quyết xung đột, nhưng hãy có lập trường kiên định lấy đạo đức truyền thống dân tộc vì dân, vì nước để thực hiện đường lối chính sách với Trung Quốc. Những thỏa ước tôn trọng tình hữu nghị giữa hai quốc gia láng giềng, giữa hai Đảng Cộng sản thực tế đã cho thấy không mang lại lợi ích cho dân nước mà còn đưa đất nước vào tình trạng lâm nguy.
3. Với người Công giáo Việt Nam, đây là lúc chúng ta cần biểu lộ trọn vẹn lòng ái quốc của mình theo lời Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI huấn dụ: “Là người công giáo tốt cũng là công dân tốt”. Lòng yêu nước thể hiện ở việc chúng ta không thể thờ ơ với tình hình của đất nước trong hiện tại cũng như tương lai, chuyên cần hy sinh cầu nguyện cho quê hương đất nước và với lương tâm của mình, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng đáp lại lời mời gọi cứu nguy Tổ quốc.
4. HĐGMVN xin các Giáo phận tổ chức một ngày cầu nguyện cho Quê Hương, kêu gọi mọi người sám hối, tiết giảm chi tiêu ăn uống, mua sắm để góp phần nâng đỡ các ngư dân nạn nhân của tàu Trung Quốc và các chiến sĩ cảnh sát, hải giám Việt Nam bị thương, theo như sáng kiến kêu gọi một ngày cầu nguyện cho hòa bình tại Syria của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 7/9/2013.
Thực hiện theo Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, HĐGM Việt Nam luôn nỗ lực thể hiện đường lối xây dựng hòa bình trong sứ vụ của mình và mong muốn công lý, hòa bình được thực thi trong xung đột hiện nay.
Công Quang (trích đăng)