Bộ trưởng Giáo dục nói về cảnh bảo mẫu kẹp cổ trẻ đút cháo: “Vô nhân tính”
(Dân trí) - Nói về vụ việc bạo hành trẻ mầm non mới xảy ra tại Đà Nẵng khiến dư luận bức xúc, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận định, hành động của bảo mẫu trên cả mức “phi sư phạm”, phải gọi là “vô nhân tính". Bản thân ông nhìn những hình ảnh đó thấy rất phản cảm…
Trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng nay, 22/5, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, để xảy ra sự việc, trước hết, trách nhiệm thuộc về địa phương. Ông ghi nhận xử lý bước đầu của địa phương đã chỉ đạo ngay, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có ý kiến ngay khi sự việc xảy ra là có trách nhiệm.
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ xác nhận thực tế, hoạt động của các cơ sở mần non do xã, phường cấp phép nhưng giám sát điều kiện của giáo viên không chuẩn.
Về phía Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã có chỉ đạo rất sát sao, trước hết là rà soát công tác quản lý nhà nước, các tiêu chuẩn, điều kiện hoạt động của cơ sở mầm non, đạo đức nhà giáo, có các kế hoạch thanh, kiểm tra...
Bộ trưởng cho rằng, Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu trong xã hội hoá, có đến 40% nhà trẻ là tư thục - đây cũng là điểm tốt. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại, mà nguyên nhân chủ yếu là điều kiện thành lập trường tư thục, chất lượng giáo viên chưa được tuyển chọn kỹ, dẫn đến có những cô có những phản ứng, hành động rất đáng phê phán, vượt trên cả mức “phi sư phạm”, mà phải gọi là “vô nhân tính”.
Lãnh đạo ngành bày tỏ băn khoăn vì TP Đà Nẵng là một trong nh địa phương đi đầu trong công tác xã hội hoá giáo dục, có đến 40% cơ sở giáo dục mầm non là nhà trẻ tư thục. Đà Nẵng đã làm rất tốt việc cùng chăm lo cho trẻ. Tuy nhiên, sai phạm vẫn còn tồn tại trong nhóm trường mầm non trẻ tư thục.
Bộ trưởng chia sẻ: “Điều này tôi cũng rất bức xúc, mà Bộ cũng đã có chỉ đạo ngay, với cơ sở này phải đình chỉ hoạt động chứ không chỉ là xem xét”.
Theo đó, Bộ GD-ĐT đã ban hành chỉ thị của Bộ trưởng, triệu tập các Giám đốc Sở GD-ĐT để rà soát các vấn đề “nóng” của ngành và có xử lý ngay, chứ không phải cứ đợi báo chí phát hiện mới triển khai.
Khi xây dựng chỉ thị này, giải pháp cơ bản nhất Bộ GD-ĐT xác định là phải quy chuẩn về đạo đức với giáo viên mầm non. Cũng có ý kiến đề xuất bắt buộc lắp đặt camera tại cơ sở trông giữ trẻ nhưng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lập luận, giải pháp căn cơ nhất vẫn phải bắt đầu từ các thầy cô giáo. Đào tạo giáo viên phải cơ bản, giáo viên mầm non càng phải chuẩn chỉ, nhân tính vì môi trường làm việc của giáo viên là với các cháu còn rất nhỏ, áp lực với người trông giữ, chăm sóc lớn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nhạ cũng giải thích, chỉ đạo đã có nhưng Bộ không thể bao quát hết được, ở đâu đó cũng có những nảy sinh; quan trọng là có nảy sinh thì phải xử lý ngay.
Theo Bộ trưởng, cần phải nghiên cứu lại, cơ chế chính sách rất quan trọng nhưng quan trọng là tổ chức thực hiện ở dưới cơ sở. Nhóm mầm non cấp tư thục do xã, phường cấp giấy phép, nên vấn đề thanh kiểm tra đối với Phòng Giáo dục phải rất sát sao, cần kiểm tra một cách thật sự về chất lượng.
Trong quy định đạo đức đối với giáo viên mầm non, có tiêu chuẩn, quy chuẩn Bộ Giáo dục quy định rõ. Dù phân cấp cho địa phương nhưng phải kiểm tra, giám sát chứ không thể "khoán trắng" cho địa phương.
Trước đó, ngày 21/5, trên trang Facebook của một người sống tại Đà Nẵng có đăng nhiều hình ảnh và clip được cho là quay lại ở nhóm trẻ mầm non trên đường Thái Thị Bôi, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Thông tin này nhanh chóng nhận được hàng ngàn lượt bình luận, chia sẻ vì quá bức xúc trước các cảnh quay trong clip.
Clip ghi lại cho thấy, bảo mẫu vừa đút cho trẻ ăn vừa dọa. Khi bảo mẫu đút cháo, một bé trai lắc đầu thì bị bảo mẫu ném áo lên mặt, dùng tay tát nhiều lần vào mặt bé. Bên cạnh đó, bảo mẫu này còn nhiều cách cho ăn quái gở, khi đè ngửa đầu các bé ra, cho nằm xuống sàn, để chân đè lên hai chân của bé rồi đút liên tục cho bé ăn.
P.Thảo