Bao giờ hết tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên?
(Dân trí) - Một vấn đề nhiều đại biểu đặt ra tại kỳ họp thứ 20 – HĐND TPHCM khóa VIII là tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên. Giám đốc Sở Y tế TPHCM khẳng định bệnh viện tuyến dưới đang được nâng cấp, việc mở rộng bệnh viện vệ tinh thuận lợi nên việc giảm tải sắp đi vào thực tế.
Sớm 1 ngày, bệnh nhân bớt khổ 1 ngày
Ngày 9/12, trong ngày làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 10 - HĐND TPHCM, tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên là vấn đề nhiều đại biểu phản ánh tại nghị trường, yêu cầu ngành y tế có lộ trình giảm tải rõ ràng cho người dân an tâm.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Trí phát biểu: “Việc giảm quá tải bệnh viện chúng ta ghi nhận các tiến bộ, cố gắng của ngành y tế. Tuy nhiên, thực tế tại TPHCM cho thấy có quá nhiều bệnh nhân, nhất là bệnh nhân từ các tỉnh về nên cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên”.
Ông Trí phản ánh tình trạng quá tải đang xảy ra ở hầu như tất cả các bệnh viện tuyến trên của thành phố, đặc biệt là ở các bệnh viện nhi đồng, ung bướu…
Đại biểu Cao Thanh Bình chỉ rõ: “Cô bác cử tri ở Bình Thạnh phản ánh bệnh viện Ung bướu trên địa bàn quận quá tải khủng khiếp. Cử tri muốn biết tiến độ xây dựng cơ sở 2 của bệnh viện này tới đâu rồi? Đề nghị đẩy nhanh tiến độ để giảm tải cho bệnh viện chính”.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Trí cũng đồng tình: “Đề nghị UBND TP cần chỉ đạo mạnh mẽ hơn các sở ngành, địa phương để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công các công trình y tế sớm đưa vào sử dụng”.
“Chúng ta làm sớm hơn 1 tuần, 1 ngày là sẽ góp phần giảm thiểu nỗi đau của những bệnh nhân đang đợi chờ trong chật chội, quá tải và mệt mỏi 1 tuần, 1 ngày. Tôi tin rằng việc chúng ta đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bệnh viện sẽ giúp người dân sống tốt hơn rất nhiều!”, đại biểu Trí phát biểu.
Đề án giảm tải đang đi vào thực tế
Trả lời tại nghị trường, ông Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TP, cho biết: “Để giải quyết vấn đề quá tải bệnh viện cần 2 yếu tố, đó là đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở vật chất”. Theo ông, thời gian vừa qua, thành phố đã phê duyệt đề án giảm tải bệnh viện tuyến trung tâm, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực và cơ sở vật chất cho tuyến cơ sở.
Về việc xây dựng 2 bệnh viện Nhi đồng mới, ông Bỉnh cho biết đang hoàn thành bộ khung và nhà thầu cam kết hoàn thành sau 18 tháng thi công và đến tháng 7 năm sau sẽ hoàn tất. Sở Y tế cũng đang chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực 250 bác sĩ được đào tạo chuyên khoa tại bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 cho 2 bệnh viện này.
Riêng bệnh viện Ung bướu hiện nay đang hoàn tất giai đoạn cuối các thủ tục đầu tư và chuẩn bị đấu thầu. Dự kiến cuối quý 1/2016 sẽ đấu thầu và hoàn thành trong năm 2017. Hiện nay đã đào tạo 125 bác sĩ được đào tạo chuyên khoa, sắp tới sẽ đào tạo thêm để đảm bảo 250 bác sĩ chuẩn bị cho bệnh viện này.
Về y tế cơ sở, ông Bỉnh cho biết: “Vừa qua, một số bệnh viện cấp quận, huyện đã được nâng cấp xây mới. Những bệnh viện còn lại sẽ triển khai trong giai đoạn 2016 – 2020. Nếu không có gì thay đổi thì đến năm 2018 toàn bộ 24 bệnh viện cấp quận, huyện sẽ được nâng cấp hoặc xây mới cho phù hợp. Các bệnh viện ngoại thành hoặc cửa ngõ nội thành sẽ được đầu tư từ 300 – 500 giường, thành một bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh các khoa nội – ngoại – sản – nhi”.
Hiện nay, thành phố đang thành công với mô hình này tại bệnh viện quận Thủ Đức. Đây là bệnh viện đầu tiên trong cả nước là bệnh viện loại I đạt quy mô 650 giường bệnh. Bệnh viện này đã triển khai tất cả các kỹ thuật trừ khâu xạ trị. Đây là bệnh viện tuyến quận đầu tiên trong cả nước đạt quy mô như một bệnh viện đa khoa cấp tỉnh, thành.
Quận 2 cũng được đầu tư thành vệ tinh của bệnh viện Ung bướu TP, hiện nay cũng đang mở rộng phấn đấu từ loại II lên loại I. Bệnh viện Tân Phú cũng được xây mới. Bệnh viện Bình Chánh cũng đang được xây dựng. Bệnh viện huyện Củ Chi cũng đang hoàn tất xây dựng 300 giường bệnh và giữa năm sau sẽ khánh thành. Trong thời gian tới sẽ tiếp nhận các bệnh viện huyện Cần Giờ, Củ Chi cũng như cải tạo các bệnh viện quận 4, 7,12.
Song song đó, thành phố triển khai mô hình bác sĩ gia đình kết hợp với bảo hiểm toàn dân thì người dân sẽ được tiếp cận y tế gần nhất. Năm 2017, TP sẽ hoàn tất mô hình bác sĩ gia đình ở tuyến y tế cơ sở.
Về đào tạo nguồn lực, ông Bỉnh chia sẻ: “Thành phố chúng ta đang đầu tư rất tốt nguồn nhân lực. Hiện nay, nguồn nhân lực y tế tự đảm đương. Bác sĩ ra trường đào tạo 1 năm sơ bộ, 2 năm chuyên khoa. Như vậy bác sĩ đào tạo 9 năm mới về tuyến cơ sở thì người dân an tâm. Họ đủ chín chắn và chuyên môn tốt để phục vụ bệnh nhân”.
Từ đó, ông Bỉnh khẳng định: “Tiến tới bệnh viện cơ sở sẽ đảm nhận chức năng khám chữa bệnh cơ bản, đáp ứng 80 – 90% bệnh nhân. Khi đó, chỉ có khoảng 10% đi vào trung tâm thành phố thì đề án giảm tải mới đi vào thực tiễn. Sau đó chúng ta sẽ thực hiện phát triển y tế chuyên sâu đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố và người dân các tỉnh phía Nam”.
Quốc Anh – Tùng Nguyên