Anh hùng lao động Trần Thị Thanh - Tuổi nhỏ chí lớn

(Dân trí) - Tại Đại hội Anh hùng các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ Nhất (năm 1952) diễn ra ở Tuyên Quang, Trần Thị Thanh (15 tuổi) - đại biểu nhỏ tuổi nhất Đại hội, chiến sĩ thi đua của ngành sản xuất giấy - đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, để động viên toàn dân tham gia kháng chiến kiến quốc, huy động tối đa nhân tài, vật lực nhằm: “Kháng chiến mau chóng thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc. Hưởng ứng lời Người, đồng bào chiến sĩ cả nước đã hăng say sản xuất và chiến đấu góp phần làm nên các chiến thắng vang dội trên tất cả các mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Đồng Tâm (tỉnh Phú Thọ) - một điển hình tiên tiến trong xây dựng đời sống mới của bà con kiều bào mới về nước, ngày 21/3/1961. (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh).
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Đồng Tâm (tỉnh Phú Thọ) - một điển hình tiên tiến trong xây dựng đời sống mới của bà con kiều bào mới về nước, ngày 21/3/1961. (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh).

Ngày 1/5/1952, Đại hội Anh hùng các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ Nhất đã diễn ra tại Tuyên Quang. Đại hội vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện. Người phân tích mục đích, nội dung, ý nghĩa, cách thức của thi đua yêu nước và chỉ rõ: “Thi đua là đoàn kết, là yêu nước, là tinh thần quốc tế, góp sức giữ gìn hòa bình và dân chủ thế giới, là cải tạo con người. Đẩy mạnh phong trào thi đua nhằm thực hiện khẩu hiệu: Người người thi đua/Ngành ngành thi đua/Ta nhất định thắng/Địch nhất định thua”.

Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ động viên và thăm hỏi các anh hùng, chiến sĩ tham dự Đại hội. Người dành sự quan tâm đến các anh hùng, chiến sĩ thi đua có hoàn cảnh đặc biệt và các cháu bé thiếu niên nhi đồng, một trong số các chiến sĩ thi đua nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là em Trần Thị Thanh (15 tuổi) – đại biểu nhỏ tuổi nhất Đại hội, chiến sĩ thi đua của ngành sản xuất giấy.

Bên lề Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần hỏi chuyện về gia đình, công việc và động viên em Trần Thị Thanh cố gắng phấn đấu hơn nữa để đạt nhiều thành tích cao trong sản xuất.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần hỏi chuyện em Trần Thị Thanh (15 tuổi) - đại biểu nhỏ tuổi nhất tham dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ Nhất (1/5/1952), tại Tuyên Quang. (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh).
Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần hỏi chuyện em Trần Thị Thanh (15 tuổi) - đại biểu nhỏ tuổi nhất tham dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ Nhất (1/5/1952), tại Tuyên Quang. (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh).

Anh hùng Trần Thị Thanh (SN 1937, ở Bình Lục, Hà Nam). Trong kháng chiến chống Pháp, gia đình Trần Thị Thanh sơ tán vào Vinh (Nghệ An). Năm 14 tuổi, Trần Thị Thanh là công nhân của Xí nghiệp giấy Đông Nam tại Thanh Chương (Nghệ An) – đây là phân xưởng dành cho cả đội thiếu niên sơ tán. Sau 2 năm làm việc tích cực, tiết kiệm, đạt năng suất cao, Trần Thị Thanh đã được bầu dự Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ Nhất tại Tuyên Quang.

Sau Đại hội, năm 1955, Trần Thị Thanh được điều động ra Hà Nội và được cử đi học kỹ thuật về đóng đồ hộp tại Liên Xô cũ (nay là Cộng hòa Liên bang Nga). Khi về nước, Trần Thị Thanh được phân công nhiệm vụ phụ trách kỹ thuật tại Viện Công nghệ thực phẩm.

Tròn 70 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2018), cũng sau Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ Nhất (1/5/1952), tại Tuyên Quang, những lời căn dặn và sự quan tâm chu đáo, lòng yêu thương của Bác luôn là nguồn động viên cổ vũ anh hùng Trần Thị Thanh trong cuộc sống và trong công tác.

Sau này, cơ duyên đã đưa anh hùng Trần Thị Thanh gặp gỡ anh hùng La Văn Cầu. Anh hùng La Văn Cầu là người có thành tích trong Chiến dịch Biên giới năm 1950 đã chỉ huy tổ bộc phá đánh vào lô cốt của địch, dù bị dập nát một cánh tay vẫn tiếp tục anh dũng chiến đấu và dùng tay còn lại ôm bộc phá đánh mở đường, tạo thời cơ cho các lực lượng khác tiếp đánh chiếm đồn quân đối phương.

Trong Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ Nhất (1/5/1952), tại Tuyên Quang, ông cũng là người vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng danh hiệu Anh hùng chiến sĩ thi đua. Cuộc sống, tình yêu, lý tưởng đã gắn bó hai người với nhau mà ngay từ Đại hội Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ Nhất năm 1952 ngày ấy, họ đã cảm phục nhau.

Cho đến bây giờ, gia đình anh hùng La Văn Cầu – Trần Thị Thanh vẫn giữ mãu kỷ niệm không bao giờ quên về những lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và những lời căn dặn của người.

Nguyễn Dương
(Theo tài liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh cung cấp)