491 đại biểu Quốc hội và bài toán cần cân nhắc cho năm 2017
(Dân trí) - Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIV khai mạc sáng nay, 22/5, có 2 chỗ ngồi trống so với kỳ họp trước của ông Ngô Văn Minh (đã mất) và ông Võ Kim Cự (vừa được cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội). 491 đại biểu đứng trước nhiều quyết sách quan trọng với đất nước cần phải quyết định vào thời điểm này.
Trước khi bắt đầu phiên khai mạc sáng nay 22/5, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo dự kiến chương trình kỳ họp, tại phiên họp trù bị trước khi chính thức khai mạc kỳ họp, Quốc hội mặc niệm ông Ngô Văn Minh (đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Nam) đã từ trần hồi cuối tháng 12/2016. Kỳ họp trước, Quốc hội cũng đã phải tiễn đưa đại biểu Thích Chơn Thiện (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên – Huế).
Cũng trong phiên họp trù bị này, Quốc hội nghe báo cáo chính thức của UB Thường vụ Quốc hội về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu với ông Võ Kim Cự (thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh).
Như vậy, từ 496 người trúng cử ban đầu, đến nay, Quốc hội khoá XIV còn lại 491 đại biểu, ít nhất trong 3 khoá trở lại đây.
491 đại biểu sẽ đứng trước nhiều quyết sách quan trọng với đất nước cần phải quyết định vào thời điểm này.
Trước hết, đó là quyết sách thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm ngoái nhưng hiện đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức cho việc hoàn thành các chỉ tiêu.
Theo báo cáo bổ sung tình hình kinh tế xã hội năm 2016 do Bộ Kế hoạch - Đầu tư xây dựng để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội lần này, có 2 con số đã “vênh” so với quyết sách đề ra trước đó. Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2016 đạt 6,21%, không chỉ thấp hơn chỉ tiêu 6,7% Quốc hội giao ban đầu mà còn thấp hơn mức Chính phủ báo cáo để “điều chỉnh” lại chỉ tiêu xuống mức 6,3-6,5% vào kỳ họp giữa năm ngoái. Thứ hai, tốc độ tăng chỉ số giá CPI tháng 12/2016 so với tháng 12/2015 là 4,74%, dù vẫn đạt chỉ tiêu thấp hơn mục tiêu 5% mà Quốc hội thông qua trước đó nhưng cũng cao hơn mức 4% mà Chính phủ báo cáo.
Cho đến thời điểm này, việc tăng trưởng cả năm 2016 đạt thấp hơn so với kế hoạch đề ra được đánh giá chủ yếu do sự sụt giảm của nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng trưởng âm trong những tháng đầu năm. Trong năm, thiên tai đã gây hậu quả nặng nề, làm thiệt hại khoảng 1,7 tỷ USD, tương đương gần 1% GDP (riêng thiệt hại do hải sản chết ở miền Trung làm giảm khoảng 0,3 điểm phần trăm tăng trưởng GDP).
Ngành công nghiệp khai khoáng sụt giảm mạnh (giảm gần 4% so với 2015 – mức giảm sâu nhất từ năm 2011, làm giảm 0,33 điểm phần trăm tăng trưởng chung) khi sản lượng than đá giảm 3,1%; khí giảm 0,5%; dầu thô giảm 9,9% (giảm 1,68 triệu tấn).
Tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm nay được Chính phủ khẳng định, đã có nhiều cải thiện so với Quý I.
Tuy nhiên, tại phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội tuần trước, thực trạng tình hình đã được UB Kinh tế của Quốc hội phân tích, tăng trưởng của quý I/2017 ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây. Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình khoảng 7% nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3-6,5%.
Người lãnh đạo đứng đầu Chính phủ trong những phiên họp gần đây nhất của cơ quan điều hành vẫn khẳng định sẽ kiên quyết đeo bám, không xin hạ chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% mà Quốc hội đã thông qua tại kỳ họp trước. Với nhiệm vụ thực hiện mục tiêu này, Chính phủ đề xuất giải pháp kết hợp hài hoà giữa giải pháp ngắn hạn và giải pháp căn cơ dài hạn.
Cũng tại phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội 1 tuần trước, các giải pháp trong nhóm ngắn hạn được mổ xẻ, phân tích nhiều.
Quốc hội sẽ có tròn 1 tháng làm việc trong khuôn khổ chương trình kỳ họp thứ 3.
Trước hết, giải pháp nhanh tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô trong nước cao hơn so với kế hoạch đã được Thủ tướng giao (tăng khoảng 1 triệu tấn, từ mức 12,8 triệu lên trên 13 triệu tấn dầu) nhận nhiều chú ý. UB Kinh tế của Quốc hội thì yêu cầu cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp này. Theo phân tích, nguồn thu từ dầu thô đến nay không còn đóng góp tỷ trọng lớn trong cơ cấu GDP.
Giải pháp tiếp theo Chính phủ mong Quốc hội ủng hộ là khẩn trương hoàn thành các công việc liên quan đến xử lý vấn đề môi trường của dự án Formosa, nếu đủ điều kiện để hoạt động, có thể xem xét cho phép nhà máy đi vào vận hành. Theo tính toán của cơ quan điều hành, dự án này nếu được vận hành trong tháng 5 sẽ đóng góp khoảng 0,16 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP.
Về việc này, UB Kinh tế của Quốc hội cũng cảnh báo, bài học từ sự cố môi trường gây ra tại 4 tỉnh miền Trung vừa qua cho thấy những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài. Điều này đặt ra cho các cơ quan chức năng, các địa phương cần đặc biệt lưu ý tiêu chí bảo vệ môi trường trong lựa chọn các dự án đầu tư, kiên quyết không đánh đổi, cho phép đầu tư các dự án, các loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường.
Khi được đưa ra báo cáo chính thức với Quốc hội, các vị đại biểu sẽ là người quyết định thực hiện hay không những đề xuất được đưa ra.
Ngoài ra, 2 nội dung mới dự kiến được đưa vào chương trình kỳ họp thứ 3 để Quốc hội xem xét quyết định là việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và việc xây dựng Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Quốc hội sẽ có trọn 1 tháng làm việc tại Ba Đình với phiên khai mạc diễn ra sáng nay và phiên bế mạc dự tính là sáng 21/6.
P.Thảo
Ảnh: Việt Hưng