40 năm - vết thương vẫn chưa liền
(Dân trí) - Những câu chuyện góp nhặt trong quá trình tác nghiệp khiến tôi không khỏi ngậm ngùi. 40 năm đất nước thống nhất, hòa bình nhưng những nỗi đau chiến tranh vẫn chưa biết bao giờ mới liền sẹo.
Chúng tôi, lớp hậu sinh sinh ra và lớn lên khi đất nước đã thống nhất, non sông đã thu về một mối. Chúng tôi – cũng chưa một lần phải nếm nỗi vất vả, khổ cực của đất nước thời hậu chiến, bao cấp. Vậy nhưng, trong những ngày sục sôi 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn thấy rưng rưng. Bởi sau chiến tranh, nỗi đau vẫn hiện hữu trên đất nước mình. Một nỗi đau dai dẳng mang tên chiến tranh.
Tôi nhớ mãi câu chuyện của Thiếu tướng Võ Văn Chót – nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 4. Chiến tranh đã qua bao nhiêu năm nhưng nhiều đồng đội của ông vẫn chưa được quy tập về hoặc đã tìm được về nhưng không xác định được tên tuổi, đơn vị, quê quán. Hàng nghìn, hàng vạn ngôi mộ trong các nghĩa trang liệt sỹ vẫn đau đáu chờ một cái tên thay cho dòng chữ “liệt sỹ chưa biết tên”. Cũng phải mất nhiều năm người ta mới có thể thay thế những ngôi mộ “vô danh” bằng ngôi mộ “chưa biết tên”. Bởi với những người mẹ, chữ “vô danh” đau đớn lắm.
“Có lần các mạ đã tìm đến, trách móc “Các mạ sinh con ra, có tên có tuổi, giao cho cách mạng để đi giết giặc giữ nước. Răng chừ lại “vô danh”. Đừng nói con mạ vô danh, mạ đau lắm”, thiếu tướng Võ Văn Chót kể.
Chiến tranh qua đi, bao nhiêu người lính không trở về. Bao nhiêu người mẹ, người vợ ngậm ngùi với nỗi đau mất chồng, mất con. Nhưng dù sao họ cũng đã có “danh phận”, được Đảng, Nhà nước quan tâm bằng những việc làm thiết thực dẫu rằng nó chẳng thấm gì so với nỗi đau đớn mà những người mẹ, người vợ phải chịu đựng suốt mấy chục năm trời.
Nhưng trên đất nước này, có nhiều, rất nhiều “hòn vọng phu” đằng đẵng chờ đợi cả hàng chục năm trời. Họ - người yêu của những người lính. Yêu – nghĩa là trao cả tình cảm, niềm tin và sự hi vọng. Yêu – nghĩa là âm thầm với sự chờ đợi. Bao nhiêu người lính không trở về. Bao nhiêu người con gái lỡ dỡ cả đời vì một lời thề son sắc, thủy chung.
Chưa cưới, chưa được đơn vị, chính quyền xác nhận, nên dẫu có yêu bằng cả tấm lòng, chờ đợi với một niềm tin son sắc thủy chung thì họ vẫn chỉ là những người phụ nữ “có danh không phận”. Chiến tranh kết thúc, người yêu họ không trở về. Họ vò võ với nỗi đau của riêng mình. Không có chế độ, không được vinh danh. Chỉ có tình yêu của người lính đã ngã xuống nâng đỡ họ dậy sau những vấp váp của cuộc đời.
Tôi đã gần như bật khóc khi cụ Nguyễn Thị Thanh Mai (Tp Vinh, Nghệ An) nắm lấy tay khẩn khoản, nhờ tôi giúp đỡ để bà được hưởng chế độ vợ liệt sỹ. Người yêu bà – liệt sỹ Phạm Khắc Vũ hi sinh ở chiến trường năm 1969, ngày ông ra đi, hai người chỉ có lời hẹn ước với nhau. Ông hi sinh, bà vò võ sống với lời thề của mình. Tuổi già cô quạnh, khó khăn về mặt kinh tế, bà chẳng biết trông mong vào ai cho những ngày tháng cuối đời. “Chế độ” vợ liệt sỹ có lẽ chỉ một phần nhỏ thôi, có lẽ, thứ bà cần hơn, đó là “danh phận”, là “danh chính ngôn thuận” với người bà xem là chồng mình. Trên dải đất chữ S. này, có bao nhiêu người “vợ” cô độc thờ “chồng” như bà Mai?
Tôi nhớ câu chuyện của người cựu chiến binh Đỗ Đức Địu (xã Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình). Còn gì đau đớn hơn khi người cha này phải 12 lần tự tay chôn cất những đứa con của mình. Di chứng của chất độc da cam Mỹ trải xuống Việt Nam trong những năm chiến tranh thật khủng khiếp. Ông Địu chỉ là một trong hàng nghìn những người lính đã nhiễm chất độc da cam – thứ chất độc không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân người lính mà còn để lại di chứng nặng nề lên thế hệ sau của họ.
Bao nhiêu người vợ, người yêu của những người lính ra trận năm xưa đang vò võ chờ chồng trong tuổi già và sự cô độc.
Người lính may mắn trở về từ chiến trận ngày ấy, rất nhiều người không được hưởng niềm vui làm cha, làm mẹ. Hoặc, cuộc đời họ cay đắng và tủi cực hơn khi những đứa con không trọn vẹn hình hài. Một tiếng gọi cha cũng là niềm mơ ước không dễ có của những người cựu chiến binh...
Những người lính bước ra từ chiến trận, nụ cười ngày chiến thắng đã thay bằng đôi mắt chất chứa nỗi đau u uất khi ôm những đứa con “da cam”. Cả cuộc đời họ chưa có lấy một ngày bình yên, thanh thản trong tâm hồn. “Trẻ cậy cha, già cậy con”, còn họ, không biết cậy nhờ vào ai mà vẫn đau đáu nỗi lo, ai sẽ chăm sóc những đứa con không trọn vẹn hình hài khi mình không còn sống?.
Đại tá – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đình Kiệp (phường Lê Mao, Tp Vinh, Nghệ An) kể cho tôi nghe câu chuyện về người chính ủy sư đoàn mình. Anh là người con miền Nam tập kết ra Bắc rồi có mặt trong đoàn quân về giải phóng quê hương. Người em trai ở lại quê nhà lại đứng trong hàng ngũ bên kia chiến tuyến. Ngày đất nước thống nhất, nụ cười chiến thắng chưa kịp trọn vẹn thì ông hay tin, người em trai của mình đã mất trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến.
21 năm đất nước chia làm hai miền. 21 năm ấy, bao nhiêu gia đình cũng phải chia đôi. Ngày chiến thắng, bao nhiêu người lính của cả hai bên phải mất đi người anh em ruột thịt của mình?
40 năm đã qua nhưng vết thương chiến tranh vẫn đau nhói đến tâm can hàng triệu người.không ngừng rỉ máu. Nỗi đau còn âm ỉ, còn dai dẵng, như vết cứa trong tâm khảm những người con Việt Nam. Nỗi đau ấy, có lẽ phải cần rất nhiều thời gian để hàn gắn.
Hoàng Lam