1 tỷ USD và bài toán để đưa Formosa vào vận hành
(Dân trí) - Đẩy nhanh việc đưa Formosa vào vận hành thực tế là một trong những giải pháp nhanh đang được tính tới để “kích” tăng trưởng, giữ mục tiêu tăng GDP 6,7% như quyết tâm của Chính phủ. Và theo báo cáo mới nhất, đến nay, Formosa đã đầu tư hơn 1 tỷ USD cải thiện các hạng mục bảo vệ môi trường, cơ bản đảm bảo điều kiện đưa lò cao số 1 vào vận hành thử nghiệm…
Báo cáo Quốc hội về công tác bảo vệ môi trường để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3, Chính phủ tổng kết, đánh giá hoạt động này trong năm 2016, trên phạm vi cả nước. Một nội dung quan trọng được tập trung làm rõ là hiện trạng các nguồn gây ô nhiễm môi trường hiện nay.
Từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong nước, các khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề, khu đô thị, khu dân cư tập trung là nguồn phát thải cơ bản nhất được nhắc tới.
Báo cáo của Chính phủ nêu rõ những con số thống kê, cả nước có 584 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 13.200 ha. Tuy nhiên mới chỉ có khoảng 52 cụm đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung, còn lại là tự xử lý hoặc xả thải trực tiếp ra môi trường.
Cả nước mới có 216 khu công nghiệp (tỷ lệ 76%) đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 67 khu công nghiệp chưa hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ngoài 400.000 m3 nước thải mỗi ngày được xử lý, vẫn còn khoảng 160.000 m3 nước thải khác từ các hoạt động công nghiệp xả trực tiếp ra môi trường.
Trong số trên 5.000 làng nghề thì chỉ khoảng 1.800 làng nghề được công nhận; vẫn còn tồn tại nhiều làng nghề hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm cao đối với môi trường như: tái chế nhựa, kim loại, ắc quy chì, chăn nuôi gia súc, sản xuất giấy…
Cả nước hiện có 795 đô thị, sử dụng 2/3 tổng nhu cầu năng lượng và phát sinh đến 3/4 lượng khí thải cacbon (khí thải phát sinh từ các hoạt động giao thông, công nghiệp, xây dựng và công trình).
Việc rà soát những nguồn thải lớn trong năm 2016 của Bộ TN-MT cho kết quả, tính riêng những nhà máy, cơ sở có nguồn thải từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên thì cả nước đã có 1.300 cơ sở tại 26 tỉnh thành ven biển.
Ngoài ra, tính đến tháng 12/2016, Việt Nam đang lưu hành gần 3,6 triệu xe máy và hơn 2,5 triệu ô tô, tập trung chủ yếu tại các đô thị lớn. Đây cũng được xem là một trong các nguồn gây ô nhiễm môi trường.
Về các nguồn thải có nhiều yếu tố độc hại, cũng theo thống kê của Bộ này, hiện cả nước có 36 cơ sở sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường cao, cần phải được giám sát đặc biệt và 132 dự án, cơ sở, khu sản xuất tập trung cần phải kiểm soát thường xuyên thuộc các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Như khai thác, chế biến khoáng sản; luyện kim, sản xuất thép; nhiệt điện; sản xuất pin, ắc quy; thuộc da; lọc hóa dầu; sản xuất giấy, bột giấy; xi mạ; nhuộm, dệt nhuộm; sản xuất hóa chất cơ bản; sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; chế biến thủy sản; chế biến mủ cao su; chế biến tinh bột sắn; chế biến mía đường; xử lý chất thải...
Trong dự án tác động xấu nhiều mặt lên môi trường, báo cáo nêu cả nước đã có trên 3.000 tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản với tổng số 4.320 giấy phép thăm dò, khai thác trên địa bàn 39 tỉnh, thành phố cả nước.
Bên cạnh đó, cả nước có gần 7.000 công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Không kể các dự án thủy lợi có kết hợp làm nhà máy phát điện, trong số này có trên 268 công trình thủy điện đã vận hành khai thác và 205 công trình thủy điện đang thi công xây dựng, số còn lại là các công trình thủy lợi đã đưa vào vận hành hoặc đang thi công xây dựng.
Báo cáo của Chính phủ cũng thể hiện, trong năm 2016, trên toàn quốc có khoảng 50 vụ việc gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc, nổi cộm được dư luận quan tâm.
Formosa khắc phục lỗi xử lý cốc ướt - Tháng 6/2019 mới hoàn thành
Báo cáo của Chính phủ cũng dành riêng một phần cập nhật thông tin việc giải quyết sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung do Formosa gây ra. Theo đó, Bộ TN-MT đã lập Hội đồng liên ngành giám sát, lập tổ giám sát và đưa 2 trạm kiểm định môi trường di động vào giám sát hàng ngày việc xử lý nước thải, khí thải tại Formosa.
Chính phủ cho biết, quá trình giám sát việc khắc phục vi phạm của Formosa sẽ được thực hiện cho đến khi Formosa hoàn thành chuyển đổi công nghệ làm nguội than cốc từ ướt sang khô.
Đồng thời, Formosa đã được yêu cầu lập, thực hiện kế hoạch khắc phục các tồn tại, vi phạm về bảo vệ môi trường và kế hoạch giám sát môi trường, đảm bảo các công trình bảo vệ môi trường của Formosa đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Kết quả cuộc họp hội đồng liên ngành ngày 10/5 vừa qua cho thấy, đến nay Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã khắc phục xong 52/53 lỗi, riêng lỗi chuyển đổi phương pháp làm nguội cốc từ ướt sang khô sẽ hoàn thành vào tháng 6/2019 theo như cam kết.
Doanh nghiệp cũng đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào các hạng mục cải thiện, bổ sung các công trình bảo vệ môi trường theo yêu cầu của Bộ TN-MT. Các công trình của Formosa, theo đó, đã cơ bản đáp ứng điều kiện để đưa lò cao số 1 vào vận hành thử nghiệm.
Chốt lại báo cáo, phía Chính phủ đánh giá tổng quát, công tác bảo vệ môi trường đạt nhiều kết quả tích cực thời gian qua. Ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra nhưng xu hướng tăng mạnh như trước đây đã được ngăn chặn, mức độ ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi không tăng hoặc tăng không đáng kể, chất lượng môi trường ở một số nơi đã được cải thiện; một số dự báo tác động xấu tới môi trường từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đã được ngăn ngừa có hiệu quả…
P.Thảo