Phải hoàn trả chi phí BHYT cho NLĐ trong thời gian chưa có thẻ

Gửi ý kiến đến Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIII, cử tri đề nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn xử lý những doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ nộp BHYT cho công nhân lao động.

Về vấn đề này, Bộ Y tế trả lời ý kiến của cử tri như sau:

Ngày 14/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế trong đó có 1 Chương quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm y tế (BHYT).

Theo đó, các Điều 57, 62 đã quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về đóng bảo hiểm đối với các cá nhân tổ chức, người sử dụng lao động có các hành vi chậm đóng, không đóng BHYT với mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính về BHYT là 75.000.000 đồng đối với cá nhân và 150.000.000 đồng đối với tổ chức.

Ngoài biện pháp phạt tiền theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHYT có thể bị áp dụng một trong các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: Buộc hoàn trả số tiền đã vi phạm vào tài khoản thu của quỹ BHYT hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Buộc hoàn trả số tiền lãi của số tiền BHYT chưa đóng, chậm đóng vào tài khoản thu của quỹ BHYT; Buộc hoàn trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT mà đối tượng đã phải tự chi trả.

Trường hợp không hoàn trả được cho đối tượng thì nộp vào ngân sách nhà nước; Kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi thẻ BHYT. Các Điều 89 đến Điều 94 quy định trách nhiệm của các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử phạt theo chuyên ngành và các cơ quan Nhà nước theo quy định.

Ngày 13/6/2014, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật BHYT, trong đó bổ sung Điều 49 về xử phạt vi phạm, cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý như sau:

Phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc Nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của quỹ BHYT; Phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho người lao động trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT.

Như vậy là cho tới thời điểm này các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật BHYT, hướng dẫn xử lý những doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ nộp BHYT cho công nhân lao động đã cơ bản được ban hành, bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai, tổ chức thực hiện.
Theo Chinhphu.vn