Yêu nước không chỉ bằng trái tim nóng bỏng…
(Dân trí) - Yêu nước không chỉ bằng trái tim nóng bỏng mà cần có một lý trí tỉnh táo để phân biệt phải trái - đúng sai, điều nên làm và điều không nên làm, điều được phép và điều không được phép, phải không các bạn?
Những ngày qua, dư luận dấy lên nhiều ý kiến xung quanh Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là Luật Đặc khu).
Xin không bàn về sự đúng, sai, cần hay không cần Luật đặc khu bởi báo chí và các trang mạng xã hội đã phân tích nhiều. Chính phủ đã lắng nghe, xin hoãn bỏ phiếu thông qua và Quốc hội đã đồng ý mà chỉ nói về cách hành xử qua vụ việc này.
Trước hết, phải nói rằng hầu hết các ý kiến, dù đồng tình hay phản đối đều xuất phát từ tinh thần yêu Tổ quốc, trách nhiệm với tương lai và tinh thần cảnh giác cao độ đối với những gì thuộc về lãnh thổ quốc gia thiêng liêng.
Theo lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Tinh thần yêu nước như thế chúng ta rất hoan nghênh. Và tôi tin, với tinh thần của một dân tộc yêu nước như vậy, ta không bao giờ sợ mất nước. Nhưng chúng ta phải tiếp thu lắng nghe để điều chỉnh luật, để đảm bảo cho đất nước phát triển, tạo môi trường tự do kinh doanh nhưng cũng đảm bảo môi trường bền vững, đảm bảo độc lập, chủ quyền, tự do của đất nước một cách lâu dài, đảm bảo quyền lợi của đất nước, dân tộc một cách xuyên suốt trong quá trình gìn giữ non sông đất nước Việt Nam”.
Thứ hai, việc Chính phủ đề nghị Quốc hội dừng bỏ phiếu thông qua Dự luật thể hiện tinh thần cầu thị, luôn luôn lắng nghe ý kiến của Nhân dân cũng như cam kết của Người đứng đầu Chính phủ trong diễn văn ngày đầu nhậm chức.
Đó là nghiêm túc lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri, đồng bào ta cả trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nỗ lực phấn đấu, xây dựng nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa ngày càng giàu mạnh, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc…
Đây cũng là tinh thần của một Chính phủ kiến tạo, phục vụ và lắng nghe ý kiến của nhân dân.
Thứ ba, những ý kiến chân thành, thẳng thắn, dựa trên những cơ sở khoa học của đông đảo nhân dân mọi tầng lớp đã thể hiện trình độ dân trí, bản lĩnh cũng như tinh thần xây dựng. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng, đánh dấu sự trưởng thành của dân chúng trong tiến trình xây dựng xã hội “công bằng, dân chủ, văn minh”.
Song tiếc thay gần đây ở một số nơi, việc góp ý ôn hòa đã biến thành các cuộc biểu tình bạo động.
Những hành động côn đồ, ném gạch đá vào lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự hay đập phá trụ sở, đốt phá xe cộ là vi phạm pháp luật, cần phải lên án.
Chính những hành động này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính chính đáng của công cuộc đóng góp ý kiến, chia rẽ mối quan hệ của nhân dân với chính quyền và của chính trong nội bộ người dân.
Phải khẳng định rằng chúng ta, dù đồng tình hay phản đối đều là những người Việt Nam yêu nước, không chấp nhận những hành vi côn đồ, phá bĩnh, cản trở con đường phát triển của đất nước.
Vì thế, hãy nhìn nhau bằng tâm thế của những người Việt Nam yêu nước, kiên quyết phản đối những ai lợi dụng việc này vào những mưu đồ cá nhân, kích động biểu tình trái phép và có hành vi bạo lực.
Cần điều tra, làm rõ và đưa ra xử lý nghiêm trước pháp luật đối với các đối tượng cầm đầu, quá khích đã lôi kéo, xúi giục, kích động bạo lực, đập phá tài sản, gây rối và chống đối lực lượng chức năng.
Yêu nước không chỉ bằng trái tim nóng bỏng mà cần có một lý trí tỉnh táo để phân biệt phải trái - đúng sai, điều nên làm và điều không nên làm, điều được phép và điều không được phép, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám