Xưa khác, nay khác ông ơi!

(Dân trí) - Lạ hơn nữa là cái chuyện ông nói những kẻ trộm đó vừa ăn trộm của chủ nhà, lại vừa mời chủ nhà đến nhà hắn chơi, cùng chén tạc chén thù, cùng đi ngao du, tôi không tin. Có cái gì đó vô lý! quá vô lý!

 

 

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

 

            - Nhà tôi vừa bị mất trộm!

            - Nó vào lấy trộm sáng, trưa hay chiều qua?

- Thanh thiên bạch nhật dại gì chúng vào, chờ đêm mới đột nhập.

- Lúc nó vào lấy trộm, vợ chồng ông có còn thức không?

- Ôi trời, thức thì đã không bị mất trộm.

- Thế ông bà có nhìn thấy nó không?

- Dở hơi! Đã là trộm thì phải lén lút, làm sao lại để chủ nhà nhìn thấy.

- Vậy thì đó đích thị loại trộm truyền thống rồi. Còn trộm thời hiện đại khác xa nhé! tinh tướng lắm, đàng hoàng vào nhà người khác để trộm, mà không chỉ chốc lát, lại ở trong nhà người ta lâu, khua khoắng nhiều năm, thậm chí còn mời chủ nhà đến nhà hắn chơi, cùng chén tạc chén thù, cùng đi ngao du.

 

- Vô lý!

- Hé . hé… đây nói có sách, mách có chứng nhé! Một công ty của nước ngoài vào biển Cam Ranh - là biển của nước ta, không có giấy chứng nhận sử dụng mặt nước biển, không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, nhưng vẫn ung dung giữa thanh thiên bạch nhật “trộm nước”, làm những bè cá cao cấp, nuôi cá để xuất khẩu cả chục năm trời.Thế chẳng phải là kẻ trộm thời hiện đại đàng hoàng vào nhà người khác để trộm, mà không chỉ chốc lát, lại ở trong nhà người ta lâu, khua khoắng hàng chục năm ở đấy, vậy mà từ ông chủ tịch phường đến ông cảnh vụ, biên phòng, đến cả ông phụ trách quân cảnh cho tới lãnh đạo thành phố đều chả biết “trộm” vào nhà đó sao.

 

Đó là chuyện để kẻ gian vào  trộm “nước”. Còn chuyện để kẻ gian vào trộm “đất” đang lùm xum, nghe cũng kinh không kém. Một công ty của nước ngoài đã “trộm” đất bằng cách ký hợp đồng sang nhượng 100 héc ta đất nông nghiệp tại một tỉnh miền Trung từ năm 2011 với một tư nhân trong tỉnh, khi báo chí phát hiện ra, lãnh đạo tỉnh mới tá hỏa. Ngơ ngác hỏi nhau, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói việc này nằm dưới sự quản lý của một phó chủ tịch khác, ông ta không chịu trách nhiệm. Còn ông phó chủ tịch kia thì nói: “Chúng tôi không nắm rõ sự việc”. Chánh văn phòng UBND tỉnh cũng bảo: "Tôi không nắm rõ", trỏ sang phó chánh văn phòng, ông phó này cũng nói ông ta "không theo dõi" sự việc. Hỏi các quan chức cấp dưới, ở xã có đất bị ăn trộm thì các vị ấy trỏ lên trên, bảo: "vụ việc trực thuộc cấp tỉnh, chúng tôi không có thẩm quyền". Như vậy “trộm” vào nhà lấy đất, đâu có lấy trộm vài mét vuông, lấy hẳn 100 héc ta mênh mông, xây nhà xưởng chềnh ềnh mà các quan chức được giao quản lý, chẳng ông nào biết.

- Chuyện “trộm đất” ông nói, chắc chỉ là chuyện hy hữu.

- Hy hữu cái con khỉ. Ở một tỉnh Đông Bắc cũng vừa có chuyện tương tự.

Dù không được cấp phép nhưng người nước ngoài vẫn “trộm” được miếng đất to đùng 5 héc ta tại một thôn trong tỉnh để xây dựng xong xuôi, đưa vào hoạt động một nhà máy sản xuất tinh bột xuất khẩu và một nhà máy sản xuất đồng trong gần một năm nhưng chính quyền sở tại không hay biết. Chỉ đến khi người dân kêu cứu vì bị ô nhiễm do hai nhà máy trên gây ra, cơ quan chức năng vào cuộc thì sự việc mới vỡ lở. Hỏi ai để cho bị “trộm đất” như vậy, lãnh đạo nơi có đất để bị “trộm” thì bảo các sở ban ngành hữu quan của tỉnh cho phép, còn các sở ban ngành hữu quan thì bảo cứ tưởng lãnh đạo nơi có đất đã có chủ trương nên cũng đồng ý. Kể cũng lạ, đất và nước là tài sản thiêng liêng từ mồ hôi và xương máu ngàn đời của cả dân tộc ta gây dựng nên, tổ tiên ta rất coi trọng gìn giữ đất và nước. Bộ Luật Hồng Đức chính thống được hoàn chỉnh ở triều đại Lê Thánh Tông (Hồng Đức) thế kỉ 15, Điều 74 ghi rõ: “Những người bán ruộng đất ở bờ cõi cho người nước ngoài thì bị tội chém… Quan phường xã biết mà không phát giác, thì tội giảm một bậc. Quan lộ, huyện trấn, cố ý dung túng, thì cùng một tội, vô tình không biết thì xử tội biếm hay phạt.” Còn Điều 613 cũng ghi rõ: “Những quân lính các trấn ven biên giới, cùng các trang vùng duyên hải mà giấu giếm người nước ngoài vào kinh thành, thì xử biếm năm tư, không quan chức thì xử tội đồ làm chủng điền binh và phạt tiền 100 quan …”. Tổ tiên chúng ta xưa coi trọng giữ gìn đất và nước như thế, mà ngày nay lẽ nào con cháu lại thờ ơ với đất và nước làm vậy.

           

- Này, rất lạ về chuyện ăn cắp đất và nước ông vừa kể, nhưng lạ hơn nữa là cái chuyện ông nói những kẻ trộm đó vừa ăn trộm của chủ nhà, lại vừa mời chủ nhà đến nhà hắn chơi, cùng chén tạc chén thù, cùng đi ngao du, tôi không tin. Có cái gì đó vô lý! quá vô lý!

            - Thế mà có đấy. Kẻ trộm đất ở tỉnh miền Trung đã bỏ tiền túi ra 120 triệu đồng để mua vé máy bay khứ hồi mời 9 ông chủ nhà đang bị ăn trộm đất đến nhà hắn chơi. Còn ở tỉnh Đông Bắc, kẻ trộm đất cũng đã mời lãnh đạo nơi có đất bị hắn trộm, sang nhà hắn chơi 5 ngày. Hé . hé . . . có lạ không?

            - Lạ thật. Sao có kẻ liều thế nhỉ. Tôi nghe nói ngày xưa Bộ luật Hồng Đức qui định những người bán ruộng đất ở bờ cõi cho người nước ngoài thì bị tội chém… Quan phường xã biết mà không phát giác, thì tội giảm một bậc. Quan lộ, huyện trấn, cố ý dung túng, thì cùng một tội, vô tình không biết thì xử tội biếm hay phạt…

- Xưa khác, nay khác ông ơi!

Nguyễn Đoàn

 

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!