Xin hãy chấm dứt những nỗi khiếp đảm này!

(Dân trí) - Nếu biết rõ vật nuôi của mình có nguy cơ cao tấn công người mà vẫn không tuân thủ quy định rọ mõm thì đó không còn là sự chủ quan, tắc trách. Đó là thái độ vô trách nhiệm với cộng đồng, coi thường tính mạng người khác.

Xin hãy chấm dứt những nỗi khiếp đảm này! - 1

“Thực tế hàng năm, trên cả nước cũng có những trường hợp chó cắn người dẫn đến tử vong như do chó mắc bệnh dại. Còn chó tấn công người dẫn đến tử vong như trường hợp cháu bé ở Hưng Yên là rất hy hữu” - ông Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) nói với báo chí tại một cuộc họp báo diễn ra sau sự kiện kinh hoàng và thương tâm chiều 3/4.

Nói là “hy hữu” quả không sai. Bởi ai có thể ngờ, một đứa trẻ 7 tuổi chơi trên sân vận động ngay gần nhà mà có thể bị cả đàn chó xông vào tấn công bị thương nặng đến mức tử vong như thế. Cũng chính bởi vì “hy hữu” nên dường như khi sự việc đáng tiếc xảy ra, chúng ta bàng hoàng, phẫn nộ, xót xa, nhưng chẳng thể nào đòi lại cuộc sống, đòi lại tương lai cho một sinh mạng xấu số đã mất. Còn cơ quan chức năng dường như vẫn loay hoay trong cách xử lý.

Trong một động thái mới nhất, vào chiều 4/4, Công an huyện Kim Động phối hợp với các cơ quan liên quan xuống nhà bà An – chủ đàn chó dữ nói trên để tổ chức bắt giữ đàn chó. Đây là việc cần làm và đương nhiên phải làm, thế nhưng, chẳng lẽ gia đình bà An lại vô can? Họ sẽ phải chịu trách nhiệm đến đâu trước cái chết đầy thương tâm của cháu bé, họ sẽ chịu trách nhiệm ra sao với nỗi đau quá lớn này của gia đình cháu bé? Và trách nhiệm của các đơn vị quản lý vật nuôi, quản lý trật tự trên địa bàn nằm ở đâu?

Ông Đàm Xuân Thành cho biết, quy định tại Điều 7, Nghị định 90/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có nêu: “Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng”.

Chẳng cần phải nói, nếu xử phạt “kịch khung” theo nghị định này thì rõ ràng sẽ không thể đủ sức răn đe. Trong khi đó, thực tế cho thấy, tại nhiều địa phương trên cả nước, ngay cả tại Hà Nội và các thành phố lớn, mặc dù quy định rọ mõm vật nuôi đã ban hành nhưng tình trạng chó thả rông hoặc chó đi cùng với chủ nhưng không rọ mõm, “đi bậy” vẫn xảy ra phổ biến. Thậm chí, trường hợp chó đuổi theo cắn người đi đường không phải là hiếm.

Ngay như trường hợp đàn chó của gia đình bà An, một một số hộ dân ở thị trấn Lương Bằng phản ánh rằng, trước đó, đàn chó này đã từng tấn công nhiều người và vật nuôi ở địa phương. “Mặc dù đàn chó hung dữ như vậy nhưng gia đình bà An thường xuyên thả rông, không đeo rọ mõm”.

Đành rằng, việc nuôi chó là hợp pháp, việc dành tình cảm cho động vật nuôi là đáng khuyến khích và trân trọng, nhưng đừng để tình yêu của người này lại gieo rắc nỗi khiếp đảm và bất hạnh cho những người khác.

Nếu biết rõ vật nuôi của mình có nguy cơ cao tấn công người mà vẫn không tuân thủ quy định rọ mõm thì đó không còn là sự chủ quan, tắc trách. Đó là thái độ vô trách nhiệm với cộng đồng, coi thường tính mạng người khác. Do đó, không thể chấp nhận cứ bắt, tiêu huỷ đàn chó rồi người chủ nộp phạt hành chính là xong.

Cũng theo thông tin được Phó Cục trưởng Cục Thú y cung cấp “việc xử phạt chủ đàn chó ở Hưng Yên như thế nào sẽ dựa trên kết quả điều tra của công an, có thể phải xử lý hình sự”.

Sự việc đau xót trên không chỉ cảnh tỉnh những người đang có vật nuôi phải có trách nhiệm hơn với cộng đồng mà còn đặt ra những yêu cầu cho cơ quan chức năng phải chặt chẽ hơn trong các quy định, sát sao hơn trong công tác thi hành.

Và bản thân những người giám sát, thi hành quy định pháp luật cũng không thể vô can. Đừng để khi xảy ra hậu quả đáng tiếc, mới cay đắng nhận ra: “Luật trên trời, người dưới đất”.

Bích Diệp