Xin đừng để các "thiên thần mang áo blouse" phải canh cánh nỗi lo cơm áo!
(Dân trí) - Ngày 8/9, nắm bắt thông tin từ dư luận, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Y tế khẩn trương có giải pháp kịp thời, cụ thể, quan tâm hơn về đời sống vật chất, tinh thần y bác sĩ chống dịch.
(Các thầy thuốc thấm mệt sau nhiều giờ làm việc căng thẳng... )
Bộ phim tài liệu "Ranh giới" đang công chiếu trên VTV những ngày qua tạo sự xúc động mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội. Rất ít lời bình, các tác giả đã để những hình ảnh, những lời nói giản dị và chân thật để sự việc tự nói…
Gần 2 năm qua, sát cánh cùng với lực lượng vũ trang và nhân dân trong mặt trận phòng chống đại dịch covid, đội ngũ y tế là vất vả nhất, đặc biệt là những y bác sĩ trực tiếp tham gia chống dịch. Họ lăn lộn bất kể ngày đêm nơi tuyến đầu, không chỉ gian lao, vất vả, họ còn đối mặt trực tiếp với dịch bệnh. Đã có không ít thầy thuốc bị lây nhiễm từ bệnh nhân trong quá trình điều trị…
Thế nhưng họ lại chưa có được sự đãi ngộ xứng đáng về vật chất. Ngày 4.9 vừa qua, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế đã kiểm tra một số bệnh viện dã chiến cho biết, mỗi bác sĩ, điều dưỡng hằng ngày phải chăm sóc và quản lý từ 140-150 F0. Mỗi tua làm việc thường từ 8-10 tiếng/ngày trong điều kiện mặc đồ bảo hộ liên tục có thể gây mất nước và điện giải.
Bác sĩ và điều dưỡng còn thường xuyên phải trực cấp cứu 12 tiếng/ngày nếu bị điều động tăng cường. Sau khi kết thúc công việc chuyên môn, nhân viên y tế tiếp tục phải làm hồ sơ hành chính (có ngày lên đến 12 giờ).
Thế nhưng một ngày, mỗi nhân viên y tế được phát cơm hộp với suất ăn là 120.000 đồng/ngày. Khẩu vị không được điều chỉnh phù hợp với các nhân viên hỗ trợ đến từ khu vực miền Bắc gây khó ăn, không đảm bảo sức khỏe chống dịch.
Trên trang cá nhân, một bác sĩ từng tham gia chống dịch tại Bắc Giang cho biết mỗi ngày, họ được bồi dưỡng 150 ngàn đồng, một tháng 30 ngày sau chuyến công tác còn phải thực hiện cách ly 14 ngày và được nhận 4,5 triệu đồng, một số tiền có phần "bạc bẽo" so với công sức bỏ ra.
Những thông tin về những việc như thế này đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính lắng nghe. Ngày 8/9 vừa qua, nắm bắt thông tin dư luận, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Y tế khẩn trương có giải pháp kịp thời, cụ thể, quan tâm hơn về đời sống vật chất, tinh thần y bác sĩ chống dịch.
Đây là chỉ đạo cần thiết bởi dù "chống dịch như chống giặc", dù là thực hiện lời thề Hippocrates… Song, sự hi sinh cũng rất cần được đền đáp. Vả lại, nếu một, hai tháng thì có thể cống hiến đằng này dịch đã kéo dài gần hai năm và cũng chưa biết đến bao giờ chấm dứt. Là thầy thuốc, họ cũng là con người với nỗi lo cơm áo cho bản thân và gia đình…
Rất mong Chính phủ, các nhà hảo tâm cũng như đông đảo Nhân dân quan tâm hơn nữa cả vật chất, tinh thần đối với ngành y tế nói chung, các thầy thuốc trực tiếp tham gia phòng chống dịch bệnh - những người hi sinh cho chúng ta được sống nói riêng để họ yên lòng, toàn tâm toàn ý cho công việc. Xin đừng để các "thiên thần mang áo blouse" phải canh cánh nỗi lo cơm áo, gạo tiền.
Trở lại với "Ranh giới", gần hai năm qua, báo chí luôn đồng hành cùng với ngành y tế và các lực lượng khác trong công cuộc bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát cách đây gần 2 năm (1.2020), trên Blog đã đăng bài "Họ đã chết cho hàng triệu người được cứu sống" cùng rất, rất nhiều bài trên Dân trí hơn 500 ngày qua đã phản ánh trung thực những gian lao, vất vả của các y bác sĩ và cũng là lời tri ân đối với các thầy thuốc nơi tuyến đầu chống dịch.
Xin ghi nhận "Ranh giới" là một trong những tác phẩm tiêu biểu để lại nhiều ấn tượng xúc động dư luận những ngày qua!