“Xẻ đôi ngọn gió hai đầu nhớ thương”

(Dân trí) - Người thơ sinh nghiệp đất Bắc mà lòng giăng níu trời Nam: “Ta là người của bốn phương/Nên đi đi mãi mà đường cứ xa/Nôn nao nhớ lũ sông Đà/Chiều hôm thắc thỏm đợi phà Hậu Giang…”. Đọc và hiểu, đằng sau ngòi bút chính luận báo chí, có một Phan Huy cũng phiêu, cũng thi phú lãng tử chứ không phải là nói gượng, lấy lòng, cho đẹp mặt nhau: “Thuyền bay theo cánh buồm nâu - Xẻ đôi ngọn gió hai đầu nhớ thương…”.

 

“Xẻ đôi ngọn gió hai đầu nhớ thương” - 1

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Nhà thơ Trần Quang Quý – TBT NXB Hội Nhà văn Việt Nam đã viết về bài “Chiều sông Hậu” trong Lời giới thiệu tập thơ “Xẻ đôi ngọn gió” của Nhà thơ Phan Huy, Trưởng đại diện báo Dân trí tại đồng bằng Sông Cửu Long.

 

Chiều qua sông Hậu

 

Lục bình trôi!

Lục bình trôi…

Mênh mang sông nước biết rồi về đâu

Thuyền bay theo cánh buồm nâu

Xẻ đôi ngọn gió hai đầu nhớ thương…

Ta là người của bốn phương

Nên đi đi mãi mà đường cứ xa

Nôn nao nhớ lũ sông Đà

Chiều hôm thắc thỏm đợi phà Hậu Giang…

Đời người mấy chuyến sang ngang

Bao nhiêu bến đậu mấy sàng dại - khôn?

Phan Huy

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!

Nhà thơ Bùi Hoàng Tám tuyển chọn và bình luận.

 

NEO GIỮA HAI ĐẦU THƯƠNG NHỚ

Trần Quang Quý

Tôi biết anh Phan Huy (tên cúng cơm: Phan Huy Thàng) tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1965 và là một nhà báo kỳ cựu, phóng viên Thường trú báo Nhân Dân suốt từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung và giờ đang ngụ cư ở Cần Thơ, sau ba mươi năm “cắm xuồng” làm báo ở vùng sông nước phù sa miền Tây nhiều kỷ niệm này. Nhưng với thơ thì đây là lần đầu tiên tôi đọc thơ anh.

Đọc và hiểu vì sao anh lại chọn Xẻ đôi ngọn gió làm tên của tập 75 bài thơ chọn này. Ấy là bởi, người thơ sinh nghiệp đất Bắc mà lòng giăng níu đất Nam. Là bởi: “Ta là người của bốn phương/Nên đi đi mãi mà đường cứ xa/Nôn nao nhớ lũ sông Đà/Chiều hôm thắc thỏm đợi phà Hậu Giang…” (Chiều qua sông Hậu). Đọc và hiểu, đằng sau ngòi bút chính luận báo chí, có một Phan Huy cũng phiêu, cũng thi phú lãng tử ra trò, chứ không nói gượng, nói lấy lòng, cho đẹp mặt nhau:

Thuyền bay theo cánh buồm nâu

Xẻ đôi ngọn gió hai đầu nhớ thương…

Thế là rõ về “chất” Phan Huy. Thế là bắt mạch được dòng mạch chính thơ Phan Huy, ấy là cái tình. Cái tình không giả trang, hời hợt. Nó luôn níu anh giữa khoảng cách cố hương, nguồn cội với bước chân “ký giả” bươn trải qua nhiều vùng đất. Luôn níu anh giữa những người thân yêu, và cảm giác hối lỗi, “tự phê” của mình do cái chất “ta là người của bốn phương” nhiều khi không được chu đáo với quê hương, bạn hữu.

Con người ấy bộc lộ rõ nhất ở bài thơ Tự bạch. Tự bạch, tự bưng cái mặt, cái tâm, cái khí của mình ra cho thiên hạ biết, đặng coi cho kỹ cái “mặt tau”: “Ba lô sạch bụi chiến trường/Bon chen gửi lại, tìm đường vào Nam/Thật thà không dễ làm quan/Bán buôn không đủ dối gian với đời/Dấn thân làm báo - nghiệp đời/Khen chê yêu ghét, nói lời thẳng ngay...”. Thật thà không dễ làm quan là một đúc kết, chiêm nghiệm sâu sắc. Hay nói rõ là làm quan phải có tí “mánh”, phải có tí “lươn”, phải có tí “điêu”... Với người bình thường mà “thật thà thẳng thắn thì thua thiệt” nữa là. Ấy là những bài học nhỡn tiền. Tuy nhiên, Phan Huy chấp nhận sống với khí chất “Khen chê yêu ghét, nói lời thẳng ngay”.

Với thơ thì: “Một đời dan díu với thơ/Những toan đứt mối duyên tơ lỡ làng/Trời sinh chi thói đa mang/Càng quên thì lại lòng càng đắm say” (Tự Bạch). Thế có khổ không! Giời cho cái tính cái nết đã cứng, cứng và thẳng như “cây Bách tán trong lòng thẳng mãi” lại “bổ” thêm cho bác Phan cái sự “dan díu” thơ, “duyên tơ” thơ, nghĩa là gấp đôi cái giời hành, Đắp-bồ (double) cái giời hành rồi còn gì? Thế nhưng cũng có cái sướng đấy chứ, sướng là được sống thật với mình, không phải diễn, không phải đeo mặt nạ. Được cười ha hả giữa đình làng cũng có cái khoái của nó chứ nhỉ.

Cái tình của Phan Huy, nỗi ám ảnh, giăng mắc của Phan Huy ấy là khi soi vào sự vận động, thay đổi ở làng quê, ở xã hội nông thôn. Nông thôn bây giờ: “Làng quê làm cuộc đổi thay/ Nhà nông bỏ ruộng thợ cày quên trâu/ Mẹ thôi quảy gánh cau trầu/ Em ra mở tiệm gội đầu mát xa/ Chợ làng thôi họp gốc đa/ Cô hàng nước vối mở nhà hàng bia”. Đổi thay là mừng, nhưng coi chừng hệ lụy của đổi thay, nhất là cái nền tảng văn hóa quê làng nền nã, “tình làng nghĩa xóm” bao đời bỗng xáo trộn, kệch cỡm. Mà ở đó, những người xưa thương mến cũng đã xa vời, thậm chí vơi kiệt, không bao giờ còn gặp lại nữa: “Tìm em, em đã lấy chồng/Nhấp môi ly rượu chín nồng mười cay/Người đi mang hết men say/Để cho ta uống những cay với nồng” (Làng).

Tôi có cảm giác Phan Huy không chỉ tha thẩn, lơ ngơ kiếm tìm, cô đơn trống vắng ngay giữa ngõ xóm quê mình vì thời gian biền biệt đã trôi đi nhiều thứ, lòng rào lên niềm xót thương, trắc ẩn quê hương: “Có nơi nào như đồng đất quê ta/Đãi cát tìm cơm vàng trong cát/Mưa lo đói, nắng thì lo khát/Chắt mồ hôi làm sữa mẹ nuôi con” (Giỗ Mẹ - Giỗ Cha). Ngày giỗ mẹ còn mơ thấy: “Gặp cha phanh áo ngực trần/Xiêu xiêu dáng mẹ tảo tần bến sông/Áo tơi nón lá nâu sồng/Khom lưng gánh cả cánh đồng Mồ Côi” (Giỗ mẹ ở cao nguyên). Nghĩa là, cái đói nghèo, cái thương mến, những bóng dáng người thân luôn ám ảnh trong tâm thức, tình thơ của Phan Huy, dù anh có đi đâu về đâu, dù xa cách bao lâu. Ấy là chưa kể con người và vùng đất Hà Tĩnh của anh những năm bom đạn, những Ngã ba thương... mà bạn đọc có thể tìm đọc trong tập thơ này.

Phan Huy mang tâm thức làng vào những ngôi làng miền Tây, vào Cần Thơ cũng thật nhiều duyên nợ, cái duyên nợ mà anh đã cắm trụ, đã sống với nó, yêu thương nó cả nửa sau cuộc đời hiện hữu. Nơi những mùa mưa bươn bả như lên đồng, nơi những con nước lớn đặc thù phải sống chung: “Làng chìm trong biển lũ/Xuồng neo ngang ngọn cây.../ Ba tháng không thấy đất/ Ba tháng không thấy đường/ Màn trời và chiếu nước/ Phơi nắng rồi phơi sương” (Đêm châu thổ). Bức tranh miền Tây thật lạ lùng, với niềm cảm thông sâu sắc được Phan Huy khắc họa thế này: “Lũ chìm lút ngọn hàng cau/ Sinh con không biết chôn rau nơi nào?/ Mẹ nằm nép mạn thuyền câu/ Con oa oa khóc tìm bầu sửa căng”. Nhưng cuộc sống của họ cũng thật “giang hồ”, mặc kệ trời đất, hiển nhiên như đất đai, cây cỏ... như là có chất lãng tử, phiêu du Phan Huy ở trong đó, trên con thuyền lãng mạn, hồn nhiên đó: “Ngực trần bủa lưới quây đăng/ Phăm phăm cha vớt sao trăng đầy thuyền/ Lênh đênh gió nước bưng biền/ Con thuyền hạnh phúc cứ triền miền trôi...” (Sinh con mùa lũ).

Và Phan Huy cứ sống như những gì anh tự bạch, không phải làm phép tính kiểm kê nữa. Ngày cả khi anh thốt lên: “Đời người mấy chuyến sang ngang/ Bao nhiêu bến đậu mấy sàng dại - khôn?” (Chiều qua sông Hậu) thì cũng chỉ là tiếng ngân xao xuyến, lãng tử mà thôi, chứ không tính được thua trong đời. Thế thì mới có cái men thi sĩ thế này, cái sự đắm đuối si tình, “dại gái” thế này: “Chợ chiều bán hết hoa chưa?/ Anh mua, mua cả nắng mưa dãi dầu/ Anh mua cả trận mưa ngâu/ Tắm mùa xuân mát, gội đầu em thơm” (Mua hoa). Thế thì mới có một Đêm cao nguyên cũng ảo huyền, lơ mơ, say say tỉnh tỉnh thế này: “Đêm cao nguyên/ gió/ vặn lưng đồi/ Cành cà phê/ vít cong/ dòng suy nghĩ/ Ta cứ ngỡ/ ta là thi sĩ/ Nửa đời mải ngược bến sông mơ”.

Và rồi cũng gặp mầm cây, “mầm thơ” nảy nở trên cao nguyên từ nơi Mẹ sinh, từ nơi Mẹ yên nằm, từ  nơi “Cha cắm sâu lưỡi cày/ tìm sự sống”. Một đêm cao nguyên đến thế này, ai bảo Phan Huy không thi sĩ: “Đêm cao nguyên/ trăng tẩm rượu vào thơ/ Men chưa thấm/ hồn đã say/ chuyếnh choáng/ Trăng chảy khắp mặt đồi/ lênh láng/ Ly tràn trề/ lóng lánh/ mảnh sao sa/ Ta ngất ngây/ uống cả Ngân Hà”.

Xẻ đôi ngọn gió là ranh giới thơ Phan Huy cất điệu. Điệu thơ trữ tình, giản dị, nền nã truyền thống nhưng không kém mê dụ, neo giữ người đọc trong tình thơ Phan Huy, trong đắm say, phiêu lãng Phan Huy, trong khí chất “nói lời thẳng ngay” Phan Huy. Dù anh tuyên bố “Những hoa những rượu những thơ - gió trời” (đề từ), tất cả như là gió mà thôi! Nhưng gió bay đi, thơ còn ở lại. Nếu không thì phân vân, dùng dằng xẻ đôi ngọn gió làm gì?

TQQ