Vừa run, vừa hãi... qua đường

(Dân trí) - Tôi phải thú nhận, đã sống ở Hà Nội được hơn 30 năm nhưng tôi vẫn kinh hoàng và run rẩy mỗi khi phải đi bộ qua đường.

Vừa run, vừa hãi... qua đường - 1

(Minh họa: Ngọc Diệp)


Lần đầu tiên tôi qua đường một mình là lúc khoảng hơn 3 tuổi. Trước đó ít phút, đứa em họ hơn 3 tuổi mà khi đó tôi gọi bằng chị, dắt tôi sang đối diện nhà ông bà ngoại để mua xôi. Cả nhà tin tưởng, tôi cũng tin tưởng ở chị lớn chững chạc của mình. Xét cho cùng, ở phố Trần Xuân Soạn khi đó, cả ngày tôi cũng không dùng hết ngón tay và ngón chân để đếm số xe đạp đi ngang. Xe máy thì tôi chưa bao giờ nhìn thấy. Ô tô thì cả tuần may ra bắt gặp 1-2 lần.

Thế là, trong lúc cô em họ mải mua xôi thì tôi thấy chán. Tôi ngáp. Và tôi quyết định về trước. Bước xuống mặt đường được mấy bước thì tôi hơi hồi hộp, nên tôi bắt đầu chạy. Tôi vấp. Tôi ngã. Một chiếc "Com-măng-ca" phanh cháy đường và dừng khựng cách tôi khoảng 30cm. Cả phố náo loạn. Cả nhà tôi đổ ra kinh hoảng. Cô em được một bữa ăn mắng ra trò.

Sau bữa đó, tất nhiên là tôi không bao giờ được để cho sang đường một mình nữa. Cho tới khi tôi đủ 6 tuổi, đi học lớp 1. Như mọi đứa trẻ khác trong họ, trong khu phố, và mọi đứa trẻ mà tôi biết, tôi tự đi bộ đi học, rồi đàn đúm với bạn bè lang thang khắp các phố, và đương nhiên là tự qua đường hàng nghìn lần. Lúc đó tôi chả thấy sợ gì hết.

Nhưng không biết từ bao giờ, tôi không nhớ nổi, chỉ biết cho tới bây giờ tôi vẫn thấy sợ chết khiếp mỗi lần phải băng qua đường. Có thể là từ năm lớp 12 khi bắt đầu biết đi xe máy, hoặc có thể là sau đó chút ít, khi hàng triệu chiếc xe máy và hàng vạn chiếc ô tô ồ ạt nhập khẩu về Việt Nam. Đường phố đông lên theo cấp số nhân; còn ý thức của người đi đường thì giảm theo cấp số chia

 


Video clip "hậu quả" dành cho một tài xế bất lịch sự với người đi bộ qua đường. (Nguồn: Youtube)


Người nước ngoài đến Việt Nam thường có một nhận xét phiến diện: Người Việt sang đường rất thoải mái chứ không sợ sệt như họ. Tào lao! Chẳng qua là họ quá sợ nên không nhận ra nỗi sợ (ít hơn một chút) ở những người Việt mà thôi. Hoặc có thể tại họ chưa nhìn thấy tôi sang đường.

Tất nhiên, có một số người Việt, và cả một số người "Tây" đã ở đây lâu, không thấy sợ, và những người đó thường lên giọng khuyên bảo những kẻ nhát gan kia rằng, muốn sang đường ở Việt Nam thì cứ nhìn thẳng phía trước mà bước đều, không tăng tốc đột ngột, không dừng khựng lại, xe cộ sẽ tự tránh bạn... Tào lao nốt! Tôi khẳng định, muốn sang đường ở Việt Nam thì phải căng mắt ra mà nhìn trái nhìn phải, nhìn trước nhìn sau, nhìn lên nhìn xuống, đầu óc phải hoạt động với tốc độ của kỳ thủ Lê Quang Liêm, tức là phải tính khoảng 102 phương án/giây, phải dự báo cái xe kia sẽ lao qua trước khi mình tới, hay là mình kịp xông ra "đè đầu" cho "nó" giảm tốc độ lại, rồi phải quan sát anh nào đang nghếch mắt lên đếm số nhà và sẽ không biết mình đang qua đường, chị nào bị xe chắn trước mặt sẽ không kịp phản ứng khi gần đâm sầm vào mình, cô nào vừa đi vừa nhí nhoáy nhắn tin qua điện thoại... Tóm lại là một cuộc chiến đấu vô cùng căng thẳng luôn luôn khiến tôi khiếp hãi.

Vì thấu hiểu nỗi khiếp sợ của người qua đường, nên bất cứ khi nào có thể, tôi luôn dừng xe nhường cho người khác qua đường. Nhưng một mình tôi thì chỉ tạo được một khoảng trống nho nhỏ. Không những thế, tôi thường xuyên bị nã còi vào tai, rồi bị chửi là điên vì tự nhiên dừng xe giữa đường. Vì thế nên đôi khi do đường quá đông, hoặc các xe đang lao nhanh, nếu tôi dừng thì có khả năng sẽ bị đâm vào đít xe, nên tôi đành lướt qua những khuôn mặt sợ hãi đứng tần ngần giữa đường. Nhưng bất cứ khi nào điều kiện cho phép tôi đều nhường họ.

Để yêu cầu tất cả xe máy biết nhường đường cho người đi bộ ngay từ bây giờ là quá khó, vì lượng xe máy quá đông, vì mỗi chiếc xe máy chỉ nhường được khoảng trống quá nhỏ, vì muốn dừng xe máy thì phải chống chân... Thế cho nên, trước mắt, tôi chỉ khẩn thiết van nài các bác tài 4 bánh, khi thấy người qua đường, hãy nhích cái chân một tí sang trái, ấn vào cái cần mà người ta gọi là chân phanh. Chỉ cần làm thế là các bác đã giúp chúng tôi, những người qua đường đầy sợ hãi, vượt qua được 1/4, 1/3, hoặc thậm chí là 1/2 quãng đường rồi. Thống kê 6 tháng đầu năm nay đã gần 6.000 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó không ít vụ "xe điên" 4 bánh chồm lên cướp một lúc mấy mạng người, chung quy cũng là vì ít chịu sử dụng cái chân phanh đấy các bác ạ.

Hoặc nếu không làm thế được, chí ít trong khi cố lao nhanh qua xin các bác cũng đừng bấm còi, chớp đèn điên loạn để làm tăng thêm nỗi kinh hoàng của chúng tôi khi phải sang đường, các bác nhé!

Tuấn Anh

* Mời độc giả đọc bản tiếng Anh do tác giả viết cho DTiNews tại đây