“Vu vạ… vinh quang & ăn gian danh vọng”!
(Dân trí) - Xem ra với người làm khoa học chân chính, họ quan tâm đến cái “thực làm” chứ chẳng mấy quan tâm đến ba cái danh hão, ông này bà nọ. Họ sợ hãi đối với niềm “vinh quang vu vạ”.
Nhầm thì bao giờ cũng có thể xảy ra và ai cũng có thể nhầm, bất luận đó là việc lớn hay nhỏ, to hay bé, quan trọng hay không quan trọng. Đã có không ít những tai họa vì chuyện nhầm lẫn trong lịch sử và vẫn chắc chắn cũng sẽ xảy ra trong tương lai.
Thế nhưng thời nay, thiên hạ hay nhầm hơn thì phải. Từ chuyện hiểu nhầm “vợ bạn là… vợ mình” đến nhầm “tiền công là tiền ông”, “nhà công là nhà ông”, “xe công là xe ông”… Và lạ thay, bao giờ cũng vậy, sau khi bị phát hiện, buộc phải “trả lại tên cho em” thì hai từ mà không ít người luôn nhắc là “tôi nhầm” hay… “tôi cứ tưởng”.
Không chỉ nhầm về “vật thể”, nhiều khi những cái “phi vật thể” cũng bị… cầm nhầm.
Nặng thì mua bằng, mua cấp hay khai gian chức danh. Nhẹ thì khi bị “vu vạ vinh quang”, họ lơ đi như không biết. Lâu riết thành quen, người này nói, người kia nói, báo này đăng, báo nọ đăng, thế là họ bỗng nhiên thành ông giáo sư, bà tiến sĩ.
Trên báo Vietnam Net, bài “'Đại tướng quân', anh có bằng tiến sĩ chưa?”, tác giả Trần Văn Tuấn đã đề cập đến khái niệm “ăn gian” này.
Ông Tuấn cho rằng nguyên nhân là bởi tại cái thói trọng danh của người Việt: “Có lẽ ít có dân tộc nào coi trọng chữ “danh” hơn người Việt. Nhu cầu được chứng tỏ bản thân, mặc dù chỉ là trong một cộng đồng nhỏ, hẹp khiến nhiều người sẵn sàng làm mọi thứ để được biết tới hay “nở mày, nở mặt” với thiên hạ”.
Ông Tuấn còn kể về vụ việc om sòm giữa Bộ Giao thông Vận tải và ông Trần Đình Bá. “Ông Bá hẳn biết và hiểu rõ mình không phải là tiến sĩ và chắc ông này cũng không đến mức ngây ngô để không hiểu được là Bộ GTVT không có chức năng cấp cho ông cái bằng tiến sĩ. Tuy nhiên, ông vẫn tìm mọi cách chứng minh mình là tiến sĩ rồi nhưng chỉ là chưa cấp bằng mà thôi.
Có không ít người trong xã hội ta khoái được gọi nhầm hoặc đánh máy nhầm cái học vị như ông Bá bởi vì người ta không dễ gì từ bỏ cái danh mà mình đang có kể cả khi biết rất rõ nó ảo đến mức nào!”.
Thật ra thì không ít trường hợp họ không tự xưng là ông này, bà nọ mà tại “thiên hạ vu” cho họ niềm vinh quang đó. Lý do thì có nhiều, như thiếu thông tin, như “tưởng là thế” và cả có thể do phải giới thiệu là ông này, bà nọ thì tiếng nói mới có trọng lượng trong cuộc hội nghị, hội thảo...
Thế nhưng đối với những nhà khoa học chân chính, nếu thấy có sự nhầm lẫn thì phải “đính chính” ngay, mà không nên “cứ để nguyên xem sao” kiểu đó.
Hài hước, tác giả Trần Văn Tuấn trong bài viết trên dẫn chuyện “Cụ chánh bá mất giày” của Nhà văn Nguyễn Công Hoan cách đây 2/3 thế kỉ.
Đại để cụ chánh có đôi giày cũ nát, muốn thay nhưng không muốn mất tiền. Một hôm, được mời đi ăn cỗ, cụ ghé tai tên đày tớ dặn thế nhé, thế nhé. Khi rượu đang vào lúc cao trào, tên đày tớ đem đôi giày của cụ ném xuống ao rồi giả vờ kêu mất.
Gia chủ hoảng hồn bèn sai người cấp tốc ra phố mua đền cụ đôi “giày Gia Định, đế clếp” mới tinh. Khi tàn cuộc, cụ Bá thản nhiên xỏ đôi giày mới cứng cứ như chả có chuyện gì…
Trong số những người được “vu vạ” này, hình như mới thấy có bác Phạm Xuân Nguyên (Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội), bác Chu Hảo (Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ) và bác Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội là nhiều lần lên tiếng “đính chính”.
Bác Nguyên nói rằng bác chỉ là cử nhân chứ không phải là tiến sĩ.
Bác Chu Hảo cũng hơn một lần thanh minh rằng mấy chục năm rồi đâu có lên bục giảng và cực lực phản đối “giáo sư trọn đời, giáo sư cả nước”.
Bác Quốc cũng nói rằng bác chỉ là cử nhân, không tiến sĩ mà cũng chẳng giáo sư. Thậm chí, bác chỉ gọi mình là “người nghiên cứu lịch sử” chứ không nhận là nhà sử học.
Xem ra với người làm khoa học chân chính, họ quan tâm đến cái “thực làm” chứ chẳng mấy quan tâm đến ba cái danh hão, ông này bà nọ.
Họ sợ hãi đối với niềm “vinh quang vu vạ”.
Bùi Hoàng Tám
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!