Vũ Duy Thông - Thơ hồn hậu như đời anh hồn hậu!
(Dân trí) - Bây giờ thì anh đã "bay ngang" cùng đàn sếu, mà không đợi đến "mùa thu khẽ khàng": "Bỗng dưng đàn sếu bay ngang - Thu về sao quá khẽ khàng hỡi thu"...
Lại một tin buồn đến từ làng văn chương Việt Nam. Sau Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, nhà thơ Vũ Duy Thông vừa đột ngột ra đi. Làng văn chương Việt vốn đã vắng vẻ những cây bút tài hoa, giờ lại càng thêm thưa thớt…
Nhà thơ Vũ Duy Thông sinh ngày 26/2/1944 tại thôn Yên Bài, xã Tự Lập, huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong chiến tranh, từ phóng viên chiến trường, anh từng đảm nhận cương vị Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Tổng Biên tập báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Không chỉ viết báo, làm thơ, PGS, TS Mỹ học Vũ Duy Thông còn viết văn xuôi, phê bình văn học với các tác phẩm tiêu biểu như: "Những đám lá đổi màu", "Tình yêu người thợ", "Gió đàn", "Trái đất không chỉ có một người", "Chối từ cô đơn", "Và cuộc đời sẽ cứu rỗi"…
Đặc biệt, Vũ Duy Thông dành nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi như "Ai là bạn tốt", "Cây bưởi ngây thơ và con bướm sặc sỡ", "Chú tôm gõ mõ", "Chiếc kẹo tàng hình"… Nhiều trang viết của anh được đưa vào sách giáo khoa bậc Tiểu học.
Lần đầu tiên tôi gặp anh khoảng năm 1998 hay 1999. Lý do, nhân ngày báo chí Cách mạng (21.6), tôi đề xuất với Trung tâm Báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức cuộc giao lưu với các nhà thơ làm công tác quản lý báo chí và anh là một trong số những người tôi nhằm đến đầu tiên.
Lý do, thứ nhất, anh là Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản và thứ hai, tôi đã từng đọc và thích nhiều tác phẩm của anh.
Lần đó, tuy được Đài Truyền hình Việt Nam phát đi, phát lại nhiều lần nhưng công bằng, tôi chưa làm tròn vai trò người dẫn chương trình của mình. Hình như nhận thấy sự thất vọng của tôi, sau buổi ghi hình, anh rủ tôi đi ăn trưa ở một nhà hàng khá sang, tất nhiên là so với thời điểm đó. Tôi nhớ vì đây là lần đầu tiên tôi được ngồi với một ông "quan" trong làng báo, trên bàn ăn còn có khăn trải bàn trắng và một lọ hoa. Với một phóng viên làng nhàng, từ nhà quê mới lên Hà Nội như tôi thời điểm đó thì đây như một "sự kiện".
Trong bữa ăn, thấy tôi có vẻ không vui, anh nói với tôi rằng ai lần đầu đứng trước máy ghi hình cũng khó tránh khỏi lúng túng và khẳng định chương trình đã thành công tốt đẹp. Biết là anh động viên, an ủi nhưng tôi cũng tự tin và ấm lòng.
Kể từ đó, thỉnh thoảng có dịp, anh lại gọi tôi đi cùng để "có thằng nghe tao đọc thơ" như lời anh hay nói. Tôi thích nhiều bài thơ của anh, nhất là khi nghe anh đọc thơ bằng cái giọng trầm trầm, hồn hậu. Cả với bài thơ "Bè xuôi sông La" quen thuộc đã từng được đưa vào sách giáo khoa: "Bè đi chiều thầm thì/Gỗ lượn đàn thong thả/Như bầy trâu lim dim/Đắm mình trong êm ả/Sóng long lanh vẩy cá/Chim hót trên bờ đê/Ta nằm nghe nằm nghe/Giữa bốn bề ngây ngất/Mùi vôi xây rất say/Mùi lán cưa ngọt mát/Trong đạn bom đổ nát/Bừng tươi nụ ngói hồng/Đồng vàng hoe lúa trổ/Khói nở xòa như bông" nhưng qua giọng đọc của anh, vẫn tràn đầy cảm xúc mới lạ.
Vũ Duy Thông khá thành công ở các bài lục bát, một thể loại dễ làm nhưng khó hay. Nó không chỉ đòi hỏi một tâm hồn, một trí tuệ, một cảm xúc… mà hình như còn là hơi thở của sông Cầu, sông La, sông Thương, sông Nhuệ… dù cái bối cảnh của bài thơ trên tận đỉnh trời Sa Pa:
"Sương mờ trôi, sương mờ trôi/ Em đi hư ảo một trời Sa Pa/ Chênh vênh phiên chợ Bắc Hà/ Khăn piêu, yếm đỏ để mà chia phôi/ Thế rồi thôi, thế rồi thôi/ Em về dốc vắng tôi lui phố phường/ Tối gác hẹn, trưa góc đường/ Quen nhau một buổi nhớ thương được nào/ Lạ lùng sao, lạ lùng sao/ Đời tôi có một cành đào trong sương".
Bây giờ thì anh đã "bay ngang" cùng đàn sếu, mà không đợi đến "mùa thu khẽ khàng": "Bỗng dưng đàn sếu bay ngang - Thu về sao quá khẽ khàng hỡi thu".
Anh ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, anh em bè bạn và những người yêu quý thơ anh. Anh ra đi đột ngột quên cả lời hẹn "Hôm nào đến anh chơi nhé" rồi cứ lần lữa lần ngày này qua tháng khác.
Người xưa có câu: "Khi ta sinh ra, mọi người cười, ta khóc - Khi ta mất đi, mọi người khóc, ta cười". Em biết anh sẽ mỉm cười nơi chín suối bởi những gì anh để lại cuộc đời này cùng những câu thơ hồn hậu của một tâm hồn thơ hồn hậu!
Chỉ tiếc rằng nhiều và rất nhiều người muốn đến tiễn biệt anh mà không thể bởi đang ngày dịch bệnh, Vũ Duy Thông ơi!