Vụ chùa Trăm gian nên xử lý hình sự!

(Dân trí) - :“… nếu vi phạm nghiêm trọng, gây hủy hoại di sản thì cần phải xử lý hình sự. Và cần phải xử lý hình sự để có biện pháp răn đe đối với nhiều tổ chức, cá nhân khác” - GS. Nguyễn Minh Thuyết.

(Minh họa: Ngọc Diệp)

 
(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
 

Chùa Trăm gian (Quảng Nghiêm hay còn gọi là chùa Tiên Lữ), một di sản văn hóa độc đáo được lập từ đời Lý Cao Tông, niên hiệu Trinh Phù thứ 10 - năm 1185 đã vĩnh viễn bị phá hủy. Với lý do vì dột nát, người ta thay một “cụ chùa” gần ngàn năm tuổi, đã từng chứng kiến biết bao thăng trầm, đổi thay của đất nước với những đường nét hoa văn độc đáo của văn hóa Việt được chạm khắc tỉ mỉ bởi bàn tay của các nghệ nhân xưa bằng một “cậu bé” thôi nôi với những đường nét tân kỳ được tạo ra từ máy móc.  Đó phải chăng là tấn bi - hài cười trong nước mắt di sản mà chùa Trăm gian không phải đầu tiên và cũng chắc chắn không phải cuối cùng. Với cách quản lý như hiện nay, sẽ có ngày tất cả các di tích quý báu không chỉ tầm cỡ quốc gia của ta sẽ vĩnh viễn chỉ còn trong ký ức...

 

Chuyện như đùa nhưng giống như số phận nhiều di tích văn hóa – lịch sử bị xâm hại trước đây, chỉ đến khi chùa Trăm gian bị “tân trang” gần hoàn thiện, các cơ quan quản lý mới “giật mình” phát hiện ra.

Một ngôi chùa với hàng trăm gian, nằm ở khu dân cư đông đúc, cách trụ sở UBND xã có hơn 1km, cách UBND huyện có 4km, lại ở Thủ đô Hà Nội đã tiến hành thi công hơn một trăm ngày với tiếng búa, tiếng cưa và ngổn ngang vật liệu mà các cơ quan quản lý văn hóa cũng như chính quyền địa phương vẫn “không biết, không biết, không không biết” thì không phải là chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” mà là cả đàn voi chui lọt... lỗ tai. Hài hước thay, nó đã bị thay đổi 100% rồi, tức là chẳng biết đống gỗ rui mè thay ra có còn hay… chui vào bếp, thanh tra văn hóa mới về thị sát và đình chỉ. Xin thưa, còn gì nữa mà thị với sát? Mà đình với chỉ?

 

Công bằng mà nói, theo phản ánh của một số người dân, ngôi chùa đã có biểu hiện xuống cấp, nhiều chỗ mái đã dột nát, thậm chí đã có vữa rơi khi hành lễ, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người dân. Việc đóng góp của các tăng ni Phật tử tu bổ, tôn tạo di tích là điều đáng trân trọng và ghi nhận. Tuy nhiên, điều cần nói ở đây là các cơ quan quản lý đã hành xử như thế nào để không biến “sự nhiệt tình” thành hành động “phá hoại”.

 

Giờ đây thì Chùa Trăm gian, niềm tự hào của người dân Xứ Đoài đã “mồ yên mả đẹp”. Câu hỏi đặt ra là phải xử lý thế nào cho thỏa đáng, đặc biệt là không để thành tiền lệ, khi sự đã rồi.

 

Nếu chấp nhận ngôi chùa mới, tức là chúng ta đang tiếp tay cho những sự phá hoại và di chứng sau đó chắc chắn  rất nặng nề, các địa phương sẽ theo đó mà tự ý “trùng tu”. Vì vậy, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã thống nhất phương án phục hồi nguyên trạng những gì còn có thể. Tuy nhiên, việc này sẽ tốn kém rất nhiều kinh phí và ai sẽ là người chịu?

 

Về phương án xử lý cán bộ, nếu chúng ta lại “kiểm điểm nghiêm khắc, rút kinh nghiệm” thì sự việc tương tự sẽ tái diễn không chỉ ở một địa phương mà hoàn toàn có thể là tiền lệ xấu trong cả nước. Nói cách khác là khi đó, chúng ta đành “thả nổi” Luật di sản và đó là điều không thể chấp nhận. Thậm chí, nếu chỉ dừng lại ở việc đình chỉ chức vụ của Trưởng ban quản lý chùa Trăm gian như quyết định mới đây của UBND TP. Hà Nội cũng không đủ sức răn đe. Điều quan trọng mà dư luận quan tâm, bức xúc là sự thiếu trách nhiệm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng của lãnh đạo địa phương từ xã đến huyện.     

 

Vì vậy có lẽ cách tốt nhất hiện nay là cần xử lý nghiêm khắc như một tội hình sự với  tất cả các đối tượng liên quan, theo Điều 71 – Luật di sản: “Người nào vi phạm các quy định của pháp luật về di sản văn hoá thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

 

Trả lời báo chí, GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng cần phải có biện pháp hình sự để răn đe:“… nếu vi phạm nghiêm trọng, gây hủy hoại di sản thì cần phải xử lý hình sự. Và cần phải xử lý hình sự để có biện pháp răn đe đối với nhiều tổ chức, cá nhân khác” - GS. Thuyết nói.

 

Các bạn có đồng ý với biện pháp xử lý hình sự của GS. Nguyễn Minh Thuyết?

 

 

Bùi Hoàng Tám

 

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!