Vụ buộc trẻ vào cửa sổ, một cái nhìn khác!

(Dân trí) - Về lâu dài, cần có một chính sách quốc gia cho trẻ tự kỉ, trong đó có chương trình tập huấn, trang bị kiến thức về RLPTK cho tất cả giáo viên mầm non toàn quốc. Đây mới là biện pháp sâu xa để giải quyết bài toán này...,

Vụ buộc trẻ vào cửa sổ, một cái nhìn khác! - 1

Tình trạng bao lực đối với học sinh ngày càng nghiêm trọng.Vụ việc 231 cái tát mà nói như GS Phạm Tất Dong là “một cái tát vào ngành giáo dục” thì gần đây, lại xảy ra vụ 50 cái tát xảy ra tại Hà Nội.

Những việc làm này không chỉ vi phạm đạo đức nhà giáo mà còn vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên vừa qua, xuất hiện hình ảnh một bé trai 4 tuổi đang theo học tại trường Mầm non B Trực Đại (Trực Ninh, Nam Định) bị nhốt vào phòng, buộc dây vào cửa sổ khiến dư luận bức xúc. Song, cũng có không ít ý kiến chia sẻ với cô giáo. Thật ra, lên án cô giáo không khó mà nên tìm giải pháp để họ không mắc phải nữa mới là quan trọng.

Trước hết, phải nhắc lại, sự bức xúc ở đây là hoàn toàn chính đáng nhưng, cũng cần có cái nhìn từ nhiều phía mà cụ thể ở đây, hãy đặt vào vị thế của phụ huynh, của cô giáo và cả quyền lợi của các em học sinh cùng lớp.

Có một thông tin rất quan trọng cần lưu ý ngay, đó là cháu P. bị chậm phát triển trí tuệ nên năm nay đã 4 tuổi mà vẫn chưa biết nói, có các biểu hiện tăng, động, xâm hại bạn bè.

Đây có thể là một loại “khuyết tật” dạng Rối loạn phổ tự kỉ tăng động mà các trẻ mắc chứng này có thể sát thương bản thân hoặc làm sát thương những người xung quanh.

Vậy trước hết, từ góc độ phụ huynh, xin nhắc lại, sự bức xúc, thậm chí phẫn nộ là chính đáng bởi đây là hình ảnh phản giáo dục.

Song, hãy đặt vào vị thế cô giáo. Ví dụ một lớp có 30 em, trong đó có một học sinh tăng động, luôn bắt nạt bạn khác mà nguyên nhân là bệnh lý (bệnh Rối loạn phổ tự kỉ, hiện đang được đề nghị xếp vào dạng khuyết tật), hay đánh bạn bè, tức là không thuộc lĩnh vực giáo dục có thể giải quyết thì cô giáo phải làm gì?

Cô chỉ có thể quan tâm hơn tới em chứ không thể lúc nào cũng chăm chắm vào một học sinh vì còn 29 em khác. Đối với các bạn cùng lớp, các em tại sao phải chịu đựng một bạn mà bất cứ lúc nào cũng gây sự, thậm chí sát thương với mình.

Đối với phụ huynh của 29 em kia, liệu họ có chấp nhận con mình luôn bị hành hung, thậm chí về nhà với những vết cào rỉ máu? Nhất là trong thời buổi có không ít những bệnh nguy hiểm, thậm chí khoa học còn bất lực như HIV có thể lây nhiễm qua đường máu?

Có lẽ cũng vì lý do này mà Công đoàn ngành giáo dục đã đề nghị không thi hành kỉ luật cô giáo. "Việc này chỉ nên rút kinh nghiệm trong Hội đồng sư phạm nhà trường, không nên xem xét hình thức kỷ luật". Ông Vũ Đức Minh - Chủ tịch Công đoàn ngành nói.

Vậy thì bài toán nào cho vụ việc này?

Xin trích ý kiến của GS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, người dành cả cuộc đời mình chăm sóc sức khỏe cho trẻ em. Ông cũng là Giáo sư hàng đầu về Nhi khoa, được bạn bè quốc tế kính trọng vừa đăng trên Facebook cá nhân:

“Chúng ta lên án và trách các cô giáo nhưng cũng nên biết rằng hầu như gần hết giáo viên mầm non chưa được trang bị kiến thức về trẻ RLPTK. Họ không hiểu trẻ RLPTK có những đặc tính gì, cần phải quản lí và giáo dục như thế nào.

Vì vậy, ngoài lỗi của các cô cũng phải thấy lỗi của những người có trách nhiệm ở cấp cao hơn vì chưa nhận thức được vấn đề và chưa có các chính sách thích hợp.

Sự việc rồi sẽ lặp lại ở đâu đó nếu các cô giáo không được trang bị các kiến thức về trẻ tự kỉ vì trong bất cứ lớp học mầm non nào cũng rất có thể có ít nhất một trẻ bị RLPTK theo học”.

Cũng cần nói thêm, theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam có khoảng 200 nghìn người mắc rối loạn phổ tự kỉ. Số trẻ tự kỉ được chẩn đoán và điều trị ngày càng tăng từ năm 2000 đến nay và luôn chiếm đa số.

Vì thế về lâu dài, cần có một chính sách quốc gia cho trẻ tự kỉ, trong đó có chương trình tập huấn, trang bị kiến thức về RLPTK cho tất cả giáo viên mầm non toàn quốc.

Đây mới là biện pháp sâu xa để giải quyết bài toán này, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám