Vì sao luật chưa phù hợp với thực tiễn?

(Dân trí) - Dân phản biện thì phải biết lắng nghe, không ai có quyền bỏ ngoài tai và soạn luật theo ý chí áp đặt. Nếu cứ khăng khăng mà không tôn trọng ý kiến của dân là không tôn trọng tinh thần dân chủ. Dân chủ là chỗ này đây chứ không ở đâu xa vời...

 

Vì sao luật chưa phù hợp với thực tiễn?

(Minh họa: Ngọc Diệp) 

 
Dự luật sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân của Bộ Tài chính trình Chính phủ gặp phải phản ứng từ dư luận bởi vì dự luật này không có gì thay đổi so với trước. Sửa đổi mà chưa có gì mới hơn, phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng của người dân thì đó là một sự lãng phí của quá trình làm luật.

 

Sự bức xúc của người dân còn ở chỗ, đó là trước khi trình dự án luật này, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội, nhưng các ý kiến đóng góp xác đáng của các chuyên gia, người dân đã không được tiếp thu, xử lý. Điều này được thể hiện tại văn bản luật, cái không có gì mới chứng minh cho việc không lắng nghe của Bộ Tài chính.

 

Tất nhiên không phải ý kiến đóng góp nào cũng xác đáng, nhưng những điều xác đáng thì không được quyền bỏ qua. Luật pháp được ban hành phải có tính ổn định và khả thi khi áp dụng vào đời sống, phải mang lại lợi ích cho toàn xã hội. Nếu như cơ quan soạn thảo không nắm được thực tế đời sống của đông đảo người dân thì chắc chắn các quy định sẽ bị thiên lệch, mất đi tính khách quan, và đó chính là đòi hỏi rất cao của luật. Trong trường hợp này, các quy định về thu thuế thu nhập cá nhân đang có sự lệch lạc và không khách quan, dứt khoát phải có sự điều chỉnh.

 

Các nhà soạn thảo dự luật này có vẻ như đang sống một cuộc sống… khác hiện tại. Với mức thu nhập của người làm công ăn lương và giá cả thị trường hiện nay thì các mức giảm trừ gia cảnh, người phụ thuộc được quy định trong dự luật là quá lạc hậu. Các vị làm luật hãy tự đặt mình vào hoàn cảnh của người lao động nghèo sẽ thấy, họ đã làm việc cật lực nhưng vẫn không đủ sống, không đủ sống nhưng lại phải nộp thuế thu nhập là điều thậm vô lý. Đó là chưa kể mỗi công dân còn gánh rất nhiều loại thuế khác. “Nên khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước” (Trần Quốc Tuấn), lời dạy đó vẫn còn nguyên tính thời sự, điều này luôn là một cam kết chính trị đối với người làm chính sách, trong đó có chính sách pháp luật.

 

Sự lạc hậu tồn tại ngay trong thời điểm mà nó được soạn thảo, vì thế nếu kéo dài cho đến khi ban hành thì sự lạc hậu còn hơn nữa và lại phải tiếp tục sửa đổi, lấy ý kiến, hội họp, chờ Quốc hội thông qua sẽ càng tốn kém thời gian và tiền bạc của đất nước.

Xin hãy nhớ một điều, người đặt hàng cho các nhà sản xuất luật chính là nhân dân. Nhân dân bỏ tiền (thuế) để trả lương cho các vị, do đó nhân dân có quyền đòi hỏi quý vị phải làm ra một sản phẩm luật đạt chất lượng cao, trong sáng về mặt hình thức, khoa học về mặt nội dung. Nếu làm không được điều đó thì dân có quyền không nghiệm thu. Dân phản biện thì phải biết lắng nghe, không ai có quyền bỏ ngoài tai và soạn luật theo ý chí áp đặt của một nhóm người. Nếu cứ khăng khăng quyết định mà không tôn trọng ý kiến của dân là không tôn trọng tinh thần dân chủ. Dân chủ là chỗ này đây chứ không ở đâu xa vời.

 

Lê Chân Nhân

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!