Về một lời xin lỗi công khai của TAND TP Hà Nội!

(Dân trí) - 13 năm đối với lịch sử như một chớp mắt nhưng đối với số phận một con người là dài, vô cùng dài. Nếu như khi bị kết tội, ông Bình 40 tuổi thì giờ đây ông Bình đã 53 tuổi và nếu như ông Bình 50 tuổi thì giờ đây ông Bình đã 63 tuổi. 13 năm đằng đẵng gần bằng thời gian lưu lạc một đời Kiều…

(Ông Bình tại buổi xin lỗi)
(Ông Bình tại buổi xin lỗi)

TAND TP Hà Nội vừa tổ chức công khai xin lỗi đối với ông Phạm Đức Bình - người bị kết án oan cách đây hơn 10 năm trước.

Sự việc bắt đầu từ ngày 16/3/2000, Tòa án Nhân dân Hà Nội đã tuyên phạt ông Bình 30 tháng tù cho 2 tội danh “Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa” và “Sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa”.

Ông Bình làm đơn kháng án, phủ nhận kết luận của tòa sơ thẩm. Ngày 5/1/2001, Tòa phúc thẩm, Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, tuyên bố ông Phạm Đức Bình không phạm các tội trên đồng thời quyết định đình chỉ vụ án hình sự đối với ông Bình.

Sáng 4/4/2014, tại UBND Phường Lý Thái Tổ, nơi ông Bình cư trú, Toà án Nhân dân TP Hà Nội đã công khai xin lỗi đồng thời đề nghị chính quyền địa phương sớm phục hồi các quyền lợi hợp pháp cho ông Bình.

Trước hết, việc làm trên của Tòa án Nhân dân Hà Nội là đúng pháp luật. Song, để việc oan sai kéo dài đến hơn 13 năm (5/1/2001 – 4/4/2014) mới tổ chức xin lỗi là muộn, quá muộn.

13 năm đối với lịch sử như một chớp mắt nhưng đối với số phận một con người là dài, vô cùng dài. Nếu như khi bị kết tội, ông Bình 40 tuổi thì giờ đây ông Bình đã 53 tuổi và nếu như ông Bình 50 tuổi thì giờ đây ông Bình đã 63 tuổi. 13 năm đằng đẵng gần bằng thời gian lưu lạc một đời Kiều…

Vậy lý do gì để bắt ông Bình chờ đợi lời xin lỗi này đến 13 năm?

Thời gian đó, không chỉ tổn hại cho ông Bình mà còn tổn hại cho Nhà nước bởi ông Bình cho biết sẽ yêu cầu đền bù thiệt hại do bị kết án oan với số tiền lên đến hơn một tỉ đồng.

Càng buồn hơn, sự chậm trễ này còn có thể xảy ra đối với một số trường hợp khác như vụ “chuyển nhầm” 78 tỉ đồng của 37 hộ dân để bồi thường dự án vào “tài khoản” của Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng hạ tầng Alphanam hay vụ 194 Phố Huế (cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có Quyết định khởi tố bị can đối với Trịnh Ngọc Chung, Chi Cục trưởng Chi Cục thi hành án dân sự Quận Hai Bà Trưng -TP Hà Nội)

Bên lề Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội ngày 7/1, trả lời câu hỏi của P/V Dân trí về vụ 194 Phố Huế, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết: “Thường trực đã giao cho cơ quan tư pháp xử lý vụ này thật nghiêm túc, khách quan và đúng luật”.

Thế nhưng đến nay đã tròn 3 tháng, ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy “nghiêm túc, khách quan và đúng luật” vẫn chưa thấy kết quả mà người dân mong đợi.

Phải chăng câu “Hà Nội không vội được đâu” đã trở thành “cụm từ quen thuộc” của Thủ đô?

Và phải chăng đây cũng là một trong những lý do mà từ nhiều năm nay, Hà Nội chưa bao giờ được đánh giá cao trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
 
Năm 2013, dù đã có tiến bộ “vượt bậc” (18 hạng), song Hà Nội vẫn xếp thứ 33/63 (từ vị trí 51 của năm 2012) và mục tiêu lọt vào tốp 10 có lẽ vẫn còn là ước mơ xa vời vợi.

Trong khi đó, đáng lẽ Thủ đô Hà Nội phải là đầu tầu, là tấm gương để cả nước noi theo, là mục tiêu để các địa phương phấn đấu…

Tiếc thay nhiều năm qua, Thủ đô vẫn “khiêm tốn” ở phần nửa sau của bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh!

 

Bùi Hoàng Tám

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!