“Văn hoá chạy” hay giấc mơ hưởng thụ, “ôm mộng làm giàu” nhờ tham nhũng?
(Dân trí) - Một vụ án gây xôn xao dư luận vừa được phá bởi Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội khiến cả những ai giàu trí tưởng tượng nhất cũng phải tròn mắt mà ngạc nhiên để rồi… ngán ngẩm.
Gần 1.000 người đã bị “dính bẫy” lừa đảo của một “thiếu tướng” quân đội giả danh khi nộp tiền và hồ sơ xin việc để vào làm tại một tập đoàn có tên Đông Dương (phiên hiệu S10) thuộc Bộ Quốc phòng nhưng… chưa thành lập!
Mỗi người nộp từ 50 triệu đồng đến 150 triệu đồng tuỳ theo cấp bậc, chức vụ sau này sẽ được bố trí. Mỗi khi thu tiền, bị hại được nhắc nhở “đây là đơn vị bí mật nên không được công khai cho ai biết”. Và cả nghìn người bị hại nói trên được cho là rải trên nhiều địa bàn trong cả nước.
Trong số những tang vật mà cơ quan điều tra thu giữ có cấp hàm, phù hiệu, trang phục Quân đội, các quyết định giả thuộc nhiều cấp, ngành trong Bộ Quốc phòng… Đấy, ai nói “chiếc áo không làm nên thầy tu”? Chừng đó lừa được vài ba chục người đã là khủng khiếp, đằng này cả nghìn người mắc bẫy!
Sẽ có người chê trách các bị hại nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết mới dễ dàng mắc lừa đến như vậy. Nhưng nhìn lại mà xem, chỉ trong vòng có hơn một tháng mà có tới mấy vụ dư luận phải “giật nảy mình” cũng chung một nội dung na ná nhau: Bẫy lừa xin việc!
Theo đó, mới đây thôi, cũng tại Hà Nội, Nguyễn Mạnh Hùng – diễn viên đóng vai võ sư trong phim Người phán xử đã bị cơ quan CSĐT khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi nhận tiền để xin việc nhưng sau đó lật lọng, “bẻ kèo”.
Rồi ở Gia Lai, nguyên Trung tá, Đội trưởng đội kỹ thuật hình sự và truy nã Công an TP Pleiku bị bắt tạm giam vì chiếm đoạt trên 2 tỷ đồng của 14 cá nhân để chạy xin việc, xin đi học, xin chuyển công tác…
Khi quá nhiều vụ việc lừa đảo xảy ra liên quan đến vấn đề “chạy việc”, cần phải nhìn nhận lại vấn đề tuyển dụng, biên chế việc làm. Trong khi mỗi ngày hàng trăm nghìn doanh nghiệp trên cả nước vẫn đăng tin rao tuyển tìm ứng viên thì tâm lý “xin việc”, “chạy việc”, “xin bố trí chỗ ngồi” vẫn “thâm căn cố đế” với một bộ phận không nhỏ người dân.
Họ kỳ vọng gì ở những cái ghế “biên chế” công chức, viên chức ấy? Là việc nhẹ, nhàn nhã, lương cao? Là sự ổn định? Là cơ hội thăng tiến? Hay là kỳ vọng vào bổng lộc, cơ hội kiếm tiền nhờ tham nhũng, nhờ bòn rút của công?
Vì sao cho đến tận thời buổi này, thời buổi của hội nhập, của “tinh giản biên chế”, thời buổi mà những cơ hội việc làm có thể đến rất dễ dàng chỉ với một lá đơn bày tỏ nguyện vọng đính kèm vào email gửi cho các nhà tuyển dụng khắp mọi nơi… thế mà vẫn phải đi xin xỏ, quỵ luỵ một vài cá nhân có quen biết với các vị chức trách, có chức, có quyền?
Bởi, thực tế đang diễn ra như vậy! Thực tế vẫn có những đơn vị này đơn vị khác tuyển dụng thi tuyển hình thức, cho có, còn thì vẫn ưu tiên “COCC”, “CCCC”, rồi thì “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ”… Và thực tế vẫn có một nghề làm giàu gọi là “nghề làm quan”, có những biệt phủ, những dinh thự vẫn mọc lên để bao nhiêu người khác vẫn “ôm mộng”.
Vòng xoáy “cung – cầu” tạo nên những đường dây “chạy việc”, “chạy chức, chạy quyền” rồi “chạy luân chuyển”… cứ thế luẩn quẩn, khó mà dẹp dù đã có những bài học nhãn tiền về các vụ lừa đảo như đã đề cập ở trên.
Trừ khi: Chẳng có gì để “gặt hái”, để “hưởng thụ” khiến người ta phải mơ mộng, khát thèm về những cái ghế việc làm ấy nữa!
Bích Diệp