Vẫn còn những vùng nông thôn rất cũ

(Dân trí) - Phong trào "nông thôn mới" đang làm thay đổi bộ mặt một số miền quê. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn có những vùng nông thôn cũ, rất cũ, thậm chí ở cả một số nơi đã được công nhận đạt chuẩn xã "nông thôn mới".


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Từ mấy tuần trước, nhiều tờ báo lại đăng những tin, bài phản ánh về tình trạng lạm thu ở một số vùng nông thôn ở các tỉnh: Thanh Hoá, Thái Bình ... Như câu chuyện ở một xã thuộc huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, mỗi vụ lúa, nông dân phải nộp 10 khoản thu như hoạt động thiếu niên, phúc lợi xã hội, hoạt động làng văn hoá, phục vụ hội nghị, vệ sinh kênh mương, sửa xe tang, bảo vệ đồng ruộng, phục vụ các đoàn thể… Mỗi nhân khẩu phải nộp trung bình 350 ngàn đồng/năm. Thậm chí có nơi, phí xây dựng nghĩa trang 100 ngàn đồng/khẩu/năm còn được áp dụng cho trẻ mới lọt lòng...

Vâng, vẫn là những khoản thu phi lý đó. Vẫn ở chính những nơi mà từ 5 năm, 10 năm trước, thậm chí có thể là 15-20 năm về trước, người ta đã từng thu các khoản này. Nhưng những khoản thu đó, đến nay, vẫn lặp đi, lặp lại. Không ở xã này thì ở xã khác. Không ở tỉnh này, lại có thể ở tỉnh khác. Và rồi, lãnh đạo Chính phủ lại chỉ đạo kiểm tra điều báo chí nêu, rồi lại xử lý, lại kiểm điểm, lại rút kinh nghiệm...

Cũng mấy tuần nay, các báo như Dân trí, Lao động, Tuổi trẻ, Người lao động... đăng một loạt vụ "ăn chặn" ở các địa phương. Báo Lao động đưa tin ở Kiên Giang có vụ cán bộ các xã ăn chặn tiền hỗ trợ hạn mặn cho hàng trăm hộ dân bằng các khoản phí không rõ tên, thu không có biên lai.

Báo Người lao động phản ánh chuyện cán bộ một xã nông thôn ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam còn giả chữ ký của người thân liệt sĩ để ăn chặn tiền thờ cúng người đã mất...

Báo Tuổi trẻ thì đưa tin giữa tháng 8/2016, tại một trung tâm cai nghiện của tỉnh Đồng Nai, người ta nâng khống giá bữa ăn, ăn chặn tiền của học viên cai nghiện...

Rồi chuyện bò, dê, gà... hỗ trợ cho người dân nghèo "chạy nhầm" vào nhà quan... lại có hiện tượng tái diễn.

Tất cả những câu chuyện đó đều gây bức xúc cao độ trong dư luận. Nhưng ngay cả những nỗi bức xúc đó, nóng đến mấy thì cũng cũ y như những câu chuyện đã được phản ánh.

Tất cả là bởi vì cách thức, cơ chế xử lý những chuyện tiêu cực, những hành vi ăn chặn, những việc lạm thu ở nhiều vùng nông thôn, miền quê cơ bản chưa thay đổi gì nhiều trong mấy chục năm qua. Nhiều cơ quan, tổ chức ở cấp cơ sở có trách nhiệm kiểm tra, giám sát chưa được nâng cao bao nhiêu. Thậm chí, có nơi còn xảy ra tiêu cực, tham nhũng ở chính những cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Cách thức cấp phát, chi tiêu ngân sách cho các dự án, chương trình xoá đói giảm nghèo, cho các chương trình phát triển kinh tế xã hội địa phương... như đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội vẫn phát biểu ở nghị trường Quốc hội, cơ bản nhiều năm qua cũng vẫn thế, vẫn là cấp phát, xin- cho... Và với hệ thống kiểm tra, giám sát yếu kém, thiếu tính độc lập như vậy thì tình trạng tham nhũng, lạm thu, ăn chặn... không cách gì chấm dứt.

Các xã có danh hiệu "nông thôn mới" ngày càng nhiều. Nhiều địa phương còn đặt mục tiêu 100% số xã đạt chuẩn "nông thôn mới". Nhưng nếu chỉ là đầu tư, làm đường không thôi, thì có nơi, tuy có đường mới, trạm xá, trường học khang trang, to đẹp hơn nhưng tình trạng lạm thu (thậm chí còn tăng hơn do tăng huy động vốn đầu tư) vẫn còn, tình trạng ăn chặn của người nghèo vẫn còn... và cơ chế giám sát, kiểm tra ngày càng lỏng lẻo, yếu kém thì những nơi đó, thực chất vẫn là những vùng nông thôn cũ, rất cũ...

Mạnh Quân