Vắc xin vẫn là lựa chọn tốt nhất!
(Dân trí) - Một thông tin quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, đó là Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết số 09 về việc mua vắc xin phòng Covid-19.
Trước đó, Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh, công tác phòng chống dịch cần tiếp tục chuyển trạng thái, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, thực hiện hiệu quả chiến lược "5K + vắc xin".
Có thể thấy rằng, trong ba đợt dịch trước đây, chúng ta đã thành công và trở thành điểm sáng về chống dịch và phát triển kinh tế, được quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên, với loạt biến thể của virus SARS-CoV-2, việc bảo vệ sức khỏe người dân cũng như duy trì được các hoạt động kinh tế trong đợt dịch lần thứ tư là một thách thức không hề nhỏ.
Như Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhận định, đợt dịch này có chủng virus mới, lây lan nhanh, khó lường tại nhiều tỉnh, thành phố, nhất là dịch lại xảy ra tại các khu công nghiệp trong khi Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh tại các khu công nghiệp.
Trong khi đó, ở xung quanh chúng ta, dịch bệnh trên thế giới và các nước trong khu vực vẫn diễn biến nhanh, phức tạp…
Do đó, chắc chắn là sẽ cần nhiều nỗ lực để có thể kiểm soát và dập dịch thành công. Với kinh nghiệm và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, chúng ta tin tưởng rằng, Việt Nam một lần nữa sẽ thành công.
Thế nhưng, cho đến nay, Covid-19 vẫn là một bài toán dài hơi với không chỉ Việt Nam mà cả thế giới. Đợt dịch này được dập tắt, chúng ta sẽ vẫn phải chuẩn bị cho mọi tình huống để không xảy ra những đợt dịch khác.
Trong quá trình đó, cả nước vẫn phải vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế. Người dân cần được bảo vệ an toàn về sức khỏe, nhưng họ cũng cần việc làm để nuôi sống bản thân và gia đình, đất nước cần phát triển.
Do vậy, vắc xin là một yếu tố rất quan trọng. Khi phần lớn người dân được tiêm phòng Covid-19, nguy cơ lây nhiễm sẽ giảm đi đáng kể, đó chính là cơ hội để ổn định xã hội và phát triển kinh tế.
Nghiên cứu của CDC dựa trên 500.000 nhân viên y tế đã được tiêm chủng đầy đủ cho thấy, hai mũi vắc xin của Pfizer và Moderna có thể giảm 94% nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng liên quan tới Covid-19.
Một nghiên cứu khác tại Israel cũng thể hiện, Pfizer có hiệu quả 94% trong phòng chống bệnh không có triệu chứng. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy vắc xin giúp giảm khả năng lây truyền virus. Vắc xin giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm khi tiêm tới 50% dân số, và khi độ bao phủ đạt 72%, các đợt bùng dịch dường như không xuất hiện.
Đáng mừng là theo những thông tin chính thức, sẽ có khoảng 110 triệu liều vắc xin cam kết cung cấp cho Việt Nam trong năm 2021. Trong đó gồm: 38,9 triệu liều từ chương trình Covax Facility, 30 triệu liều từ AstraZeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với Covax để mua thêm khoảng 10 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 theo cơ chế chia sẻ chi phí.
Dĩ nhiên, trong tiêm chủng luôn có những tỉ lệ nhất định về tác dụng phụ hay phản ứng với vắc xin, song tiêm vắc xin, tạo miễn dịch cộng đồng vẫn luôn là biện pháp tối ưu nhất để chống lại dịch bệnh nói chung, không riêng gì Covid-19.
Bích Diệp