Vắc xin cho dịch và "vắc xin" cải cách kinh tế
(Dân trí) - Gần nửa tháng 9 đã trôi qua, chúng ta sắp khép lại một quý khó khăn. Trong quý III, các chỉ số thống kê về kinh tế chắc chắn không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Tuy nhiên, như quan điểm của chuyên gia Phạm Chi Lan trong một bài phỏng vấn gần đây trên Dân trí, nếu dịch bệnh gia tăng, không có cách nào để phát triển được, không một nền kinh tế nào phát triển được.
Nhiều trung tâm kinh tế của chúng ta phải vừa gồng mình chống dịch vừa duy trì sản xuất, trong khi tỷ lệ tiêm chủng chưa cao. Đây là vấn đề chúng ta phải xem xét bởi không thể khăng khăng giữ mục tiêu tăng trưởng, cần linh hoạt trước thách thức mới.
"Tôi giả sử, Chính phủ năm nay không đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% thậm chí 6% hoặc bao nhiêu % đi nữa nhưng chúng ta chặn được dịch, tiêm chủng rộng khắp, an yên nhân dân thì tăng trưởng bao nhiêu, người dân cũng chấp nhận, đồng lòng" - bà Chi Lan đánh giá.
Nhìn vào tình hình hiện tại, chúng ta có thể rút ra những "từ khóa" rất quan trọng để thoát khỏi rối ren: Tiêm chủng diện rộng, an dân, sau đó mới hướng tới mục tiêu tăng trưởng. Xét cho cùng, muốn có tăng trưởng buộc phải đảm bảo hai yếu tố trước.
An dân nghĩa là đảm bảo lương thực, thực phẩm, thuốc men cho nhân dân; ổn định được sinh kế cho họ.
Còn tiêm chủng phải thực hiện trên phạm vi rộng mới tạo được miễn dịch cộng đồng và từng bước đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp mới yên tâm sản xuất. Muốn thế, phải có nguồn vắc xin quy mô lớn.
Cập nhật tình hình thực hiện chiến lược vắc xin, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự kiến từ nay đến cuối năm 2021 sẽ có khoảng hơn 103 triệu liều vắc xin về Việt Nam.
Với tình hình vắc xin như thế, việc đưa các hoạt động kinh tế trở lại bình thường trong ngày một ngày hai là tương đối khó khăn.
Vì vậy, ngày 29-8, tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: "Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên".
Việc sống chung với dịch phải theo lộ trình và có những tính toán, những bước đi thận trọng. Trong cuộc phỏng vấn, bà Phạm Chi Lan nhận xét: "Dịch bệnh phơi bày mặt được và khuyết điểm của bộ máy hành chính. Nơi nào cán bộ yếu kém, nơi đó xuất hiện những cái dở khóc, dở cười".
Tóm lại, để miễn dịch cộng đồng, chống lại Covid-19, chúng ta cần vắc xin. Còn "vắc xin" của nền kinh tế để chống lại sự trì trệ và thụt lùi chính là cải cách. Nếu không kịp thời cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh thì khó khăn với doanh nghiệp hậu Covid-19 sẽ còn chồng chất và thiệt hại với nền kinh tế càng khó lường.
Cách đây gần 1 tháng, tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 17.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt vấn đề quyết tâm giải quyết những ách tắc, vướng mắc về thể chế đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được tháo gỡ để tạo động lực mới, giải phóng các nguồn lực mới cho sự phát triển, nhất là trong điều kiện đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.