Từ chuyện thầy giáo Trường Sa, nghĩ về “bầy sâu” đang tàn phá đất nước

(Dân trí) - Ngay trong chiều hôm nay (10/11), trong khi Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ quy trình xử lý kỷ luật về hành chính đối với ông Vũ Huy Hoàng gắn với những vụ việc của Trịnh Xuân Thanh và những vi phạm nghiêm trọng khác thì tại Trường Sa, có một thầy giáo đang hàng ngày, hàng giờ lặng lẽ gieo con chữ...

Từ chuyện thầy giáo Trường Sa, nghĩ về “bầy sâu” đang tàn phá đất nước - 1

Đó là thầy giáo trẻ Nguyễn Ngọc Hạ, người đang cống hiến những năm tháng tuổi trẻ của mình cho các chủ nhân tương lai của Trường Sa thân yêu. Đã 4 năm nay, thầy Hạ gắn bó với ngôi trường Tiểu học Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Trên báo Dân trí, tác giả Thúy Hằng cho biết, sau khi tốt nghiệp khoa giáo dục tiểu học của Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang năm 2012, biết Sở GD&ĐT Khánh Hòa tuyển hai giáo viên tiểu học cho huyện đảo Trường Sa, thầy Hạ đã đến dự thi và trúng tuyển.

Thực lòng, chẳng có mấy bậc cha mẹ muốn xa con mình, nhất là lại ra tận Trường Sa, mảnh đất dữ dằn không chỉ bởi thiên nhiên khắc nghiệt mà còn nhiều mối hiểm họa khác nên thầy Hạ đã phải giải thích, thuyết phục bố mẹ mình rất nhiều.

“Lúc đầu, bố mẹ buồn nhưng dần dần cũng an tâm, ủng hộ và động viên tôi đi, điều này làm tôi rất vui. Mỗi năm dù mới chỉ được về thăm nhà một lần nhưng giờ ngoài đảo đã có điện, có sóng điện thoại nên tôi thường xuyên gọi điện về nhà. Mỗi lần nghe tiếng bố mẹ, tôi lại có cảm giác như mình ở bên cạnh họ vậy”. Thầy Hạ kể.

Điều gì đã khiến thầy giáo trẻ Nguyễn Ngọc Hạ tìm đến và gắn bó với mảnh đất Trường Sa này? Nguyên nhân thì nhiều, song, điều quan trọng nhất, có tính cốt lõi nhất chính là lòng yêu nghề và trách nhiệm đối với Tổ quốc như lời thầy tâm sự: “Dù bạn ở đâu trên mọi miền Tổ quốc, nơi biên cương hay hải đảo, dù bạn đang làm gì thì những việc bạn làm dù là nhỏ nhất cũng đã góp phần tạo nên cuộc sống muôn màu, tươi đẹp này”.

Cũng chính tình yêu nghề, sự cảm thông sâu sắc với các em nhỏ nơi hải đảo xa xôi và cao hơn nữa, trách nhiệm với Tổ quốc là động lực để thầy Nguyễn Ngọc Hạ không ngừng phấn đấu, trở thành một trong những giáo viên ít tuổi nhất được tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Bộ GD&ĐT, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay.

Trong khi đất nước còn có những kẻ “ăn của dân không từ thứ gì, bán của nước không từ thứ gì”, còn những “ông vua con” – như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, còn những kẻ vì sự tắc trách và có thể, vì mối lợi cá nhân đã “nhắm mắt” ký những công trình trăm tỉ, nghàn tỉ “đắp chiếu”, làm tổn hại những khối tiền khổng lồ từ mồ hôi nước mắt của nước, của dân thì còn đó hàng triệu những con người đang ngày đêm lam lũ, chắt chiu từng đồng tiền, bát gạo và ươm từng con chữ cho thế hệ mai sau.

Xin cám ơn thầy Hạ. Cám ơn những ngư dân đang bám biển. Cám ơn các chiến sĩ vững tay súng bảo vệ biên cương. Cám ơn hàng triệu những người dân lương thiện đang ngày đêm lao động, sản xuất, cống hiến để đất nước Việt Nam mãi mãi trường tồn và phát triển, dù còn không ít những “con sâu” như Phạm Thanh Bình, Dương Chí Dũng, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh… phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám