Từ chuyện Song Joong Ki - Song Hye Kyo: Ly hôn sao cho văn minh, có tình?
(Dân trí) - Nói về quyết định ly hôn với Song Hye Kyo, Song Joong Ki tuyên bố “muốn dàn xếp mọi chuyện một cách suôn sẻ thay vì tấn công và đổ lỗi cho nhau”. Ly hôn không phải chuyện “xấu xí” nếu người trong cuộc biết viết cái kết có tình và văn minh.
Cách đây vài ngày, truyền thông châu Á chấn động vì cuộc ly hôn giữa hai ngôi sao Hàn Quốc nổi tiếng và được nhiều khán giả Việt Nam mến mộ là Song Hye Kyo và Song Joong Ki. Thông tin được 2 nhân vật chính xác nhận vào buổi sáng, y như cách họ từng công bố về đám cưới cách đây 1 năm 8 tháng.
Giữa muôn vàn những bình luận, tôi để ý tới dòng trạng thái của Á hậu Hà Thu: “Yêu cả 2 vì họ dám sống thật với cảm xúc của mình chứ không phải vì bất cứ áp lực nào mà chấp nhận dối lừa tình cảm của bản thân”.
Thay vì mất niềm tin vào tình yêu, nhiều người lại nhìn vào “điểm sáng” hiếm hoi trong cuộc ly hôn này.
Đó là khi, nam diễn viên “Hậu duệ mặt trời” gửi lời xin lỗi fan và hy vọng, chuyện ly hôn sẽ được “giải quyết nhẹ nhàng”. Cặp sao Hàn muốn tránh khỏi cuộc chiến pháp lý dai dẳng mà nhiều cặp đôi khác từng trải qua.
Trên thực tế, tôi biết, có những cặp vợ chồng nghệ sĩ đã chia tay từ lâu nhưng vẫn né tránh công khai trên truyền thông chỉ vì những quyền lợi mang tính ràng buộc. Chia tay đồng nghĩa với việc mất đi kha khá hợp đồng quảng cáo từ các thương hiệu về gia đình. Vì lẽ đó, họ diễn cảnh “hạnh phúc” hoặc im lặng trước mọi nghi án. Thứ hạnh phúc giả tạo đó là bi kịch của hôn nhân.
Cách đây hơn 1 tuần, vợ cũ của diễn viên Việt Anh công khai cả hai đã hoàn tất thủ tục ly hôn. Khi Việt Anh còn chưa lên tiếng thì trên trang cá nhân, nhiều “cư dân mạng” đã làm “quan toà đạo đức”, “tấn công” bình luận: “Anh không thương con à”, “ly hôn đến lần 2 thì người đàn ông đáng bỏ đi”…
Đến khi nào chúng ta thôi sống thay những người trong cuộc? Tôi tin là ai trong gia đình họ cũng đau, chỉ người trong cuộc mới hiểu được nỗi đau của sự chia ly ấy.
Đừng dùng những lời lẽ mỉa mai vì biết đâu chỉ ngày mai thôi ta sẽ phải vào vị trí của họ. Hãy một lần nhìn cách họ đối diện với nhau như thế nào sau những cuộc “di dân” ấy?
“Tan vỡ là điều không ai muốn nhưng hai vợ chồng đồng thuận chấm dứt mối quan hệ không hồi kết và tránh tối đa những tổn thương cho con”, Việt Anh giãi bày về câu chuyện hôn nhân của mình.
Anh sẵn sàng về nhà cũ thăm con và ngủ lại, chỉ để con trai cảm nhận được tình thương của cả bố và mẹ. Hay như Hồ Ngọc Hà, sẵn sàng nằm chung giường với chồng cũ để vỗ về con say giấc rồi ai làm việc của người đó.
Tôi đánh giá cao các cặp đôi chủ động tìm cách chia tay bớt thương tổn nhất. Họ đối thoại một cách rõ ràng, tôn trọng sự khác biệt của đối phương, không hành hạ, dằn vặt nhau.
Ly hôn không có gì là xấu khi người trong cuộc biết cách viết cái kết có tình và văn minh. Ly hôn không đồng nghĩa với kết thúc mà đôi khi lại khiến cho mối quan hệ của người trong cuộc trở nên “dễ thở”, cảm thấy yêu quý nhau hơn khi mỗi người đều có một khoảng trời riêng.
Văn hoá Á Đông vẫn nặng nề chuyện mấy đời chồng, đời vợ. Nhưng điều khủng khiếp với con người ta là cố chấp chung sống với một người biết là không thể hoà hợp. Đừng ràng buộc nhau bằng tờ giấy hôn thú mà tự trong lòng đã biết nó không còn “hạn sử dụng”.
Chẳng phải dư luận từng không đồng thuận với cách giáo dục của ông Sơn trong “Về nhà đi con”, biến Huệ thành cô con gái cam chịu dù cuộc hôn nhân như “địa ngục trần gian”? Để rồi chỉ đến khi Huệ dũng cảm tự giải phóng mình khỏi “Khải vũ phu”, người ta mới thở phào nhẹ nhõm.
Một người bạn của tôi nói rằng: “Dù vẫn biết, sau một biến cố lớn, mọi thứ sẽ thay đổi rất nhiều, di chứng là nỗi đau, là sự âu lo sợ hãi, nhưng sẽ đến lúc tất cả nở nụ cười. Đó là khi chính chúng ta trả tự do cho tâm hồn mình”.
Cuộc sống là chọn lọc, lọc người chúng ta đi cùng, lọc điều chúng ta muốn là mãi mãi... Có hàng trăm ngàn lý do, khi đã thực sự mệt mỏi, điều đơn giản nhất vẫn là nên dừng lại.
Phương Nhung