Từ 3.000 USD suất chạy trường nghĩ về ung thư tham nhũng!

(Dân trí) - Một khảo sát về “tham nhũng trong giáo dục phổ thông” của nhóm cán bộ tổ chức Hướng Tới Minh Bạch tại Việt Nam công bố, để được vào một trường tiểu học danh tiếng, phải mất 3.000 USD.

 

 

 

(Minh họa: Ngọc Diệp)

 (Minh họa: Ngọc Diệp)
 

Công bố này không gây sốc vì chuyện chạy trường xảy ra nhiều năm nay. Dân mình, thậm chí cả báo chí cũng không mặn mà gì với những con số vài ngàn đô la cho một suất học của trẻ vào lớp 1. Chạy trường có gì mới đâu mà hoắng lên!

 

Điều đáng sợ nhất chính là chỗ này đây!

 

Đã đến lúc, người ta xem chuyện tham nhũng là chuyện đương nhiên, là một “phần tất yếu của cuộc sống”, là một “chuẩn mực” trong xã hội mà chúng ta đang sống. Người ta sống với tham nhũng tự nhiên như hơi thở, không còn bị dị ứng trước một hành vi đưa tiền hay nhận tiền tham nhũng.

 

Đưa tiền cho thầy cô giáo để con cái vào học là đưa hối lộ, thầy giáo lấy thế mạnh của trường để ăn tiền phụ huynh là tham nhũng. Biết thầy giáo của các trường điểm tham nhũng, là vi phạm pháp luật, là vi phạm đạo đức, nhưng phụ huynh vẫn lao vào đưa tiền, kiếm suất học cho con. Thậm chí, họ còn cho rằng, tiền chạy ở trường này một ngàn đô, trường kia vài ngàn  đô là hợp lý. Có khi còn khen rẻ. Thế có lạ không?

 

Tham nhũng, hối lộ trở thành khuôn thước trong xã hội từ khi nào không biết. Nhưng nó tồn tại, nó lừng lững, nó tiêm nhiễm sâu trong não trạng của con người. Đến nỗi có khi, con người ta không còn nhận thức được mình đang “ủng hộ” cho tham nhũng. Tình trạng phụ huynh đua nhau chạy trường cho con là một ví dụ.

 

Phụ huynh chạy cho trẻ vào trường, còn giáo viên vừa mới ra trường chạy để được đi dạy. Suất dạy cho giáo viên ở nhiều trường học đã trở thành hàng hóa bán mua, trường càng có tiếng tăm, giá càng cao. Nhiều thanh niên ra trường thất vọng khi bước đầu vào môi trường sư phạm đã phải hối lộ cho chính những người thầy và là đồng nghiệp nay mai của mình.

 

Nhưng rồi cũng thành quen, đã từ lâu, chuyện chạy để được đi dạy không có gì khó chịu nữa. Đã đi xin việc là phải chạy, cho dù việc cao cả là làm thầy giáo, cho dù môi trường đó là giáo dục. Thầy nào cũng chạy, từ thầy giáo đến thầy thuốc. Thậm chí, mất vài chục đến vài trăm triệu đồng  mà có một suất là mừng vui như gặp một vận may. Tham nhũng, hối lộ nó thấm vào trong máu của người nhận lẫn người đưa. Ung thư mất rồi.

 

Một điều tra xã hội học vừa được GSTSKH Trần Ngọc Thêm Giám đốc Trung tâm Văn hoá học lý luận và ứng dụng (Đại học Quốc gia TPHCM) đưa ra:  Tỉ lệ nói dối cha mẹ ở học sinh cấp TH là 22%, cấp THCS là 50%, cấp THPT là 64%, sinh viên là 80%.

 

Quá sợ hãi, quá đau lòng, nhưng đó là  sự “di căn” của khối u ung thư tham nhũng có sẵn. Các cháu nhận được sự dối trá từ khi cha mẹ chạy cho một suất vào trường học cho đến việc tận mắt chứng kiến nhiều sự dối trá khác. Sự trung thực không có chỗ cho một môi trường mà con người chấp nhận sự giả dối như một “thành viên” thân thiết.

 

Rồi tham nhũng tràn lan khắp nơi, trở thành bầy sâu, trở thành ghẻ ngứa, là bởi vì khi bước chân vào cửa trường học cho đến bước chân vào cửa cơ quan chính quyền, họ đã trả tiền cho tham nhũng.

 

Bây giờ, họ là di căn của khối u đó. Thuốc đâu chữa cho hết được bây giờ hả trời!

 

Lê Chân Nhân

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!