Truyện Kiều, Hoa Sen và các Tổng thống Mỹ
(Dân trí) - Xin cám ơn ông đã hiểu, rất hiểu về dân tộc tôi, một dân tộc “Từ trong máu lửa lại vùng đứng lên” để rồi khi “Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa - Nguyễn Đinh Thi”.
Có thể nói, sự kiện Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam đã gây chấn động không chỉ dư luận trong nước mà cả quốc tế. Nhiều cơ quan thông tấn báo chí nước ngoài đã đưa tin về sự kiện này.
Tại Việt Nam, trên các mặt báo, sự kiện này luôn được hiện diện ở vị trí quan trọng nhất. Rất đông người dân tự nguyện đổ ra đường chào đón Tổng thống Obama.
Vì sao việc Tổng thống Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam lại được quan tâm nhiều như vậy và đặc biệt, lại được dân chúng háo hức đón chào như vậy?
Có thể có nhiều nguyên nhân, song không thể không nhắc đến một lý do vô cùng quan trọng, đó là sự gắn kết giữa hai quốc gia cựu thù không chỉ vì lợi ích vật chất mà có lẽ hơn thế, là khát vọng tinh thần, một tinh thần nhân văn cao cả của hai dân tộc biết xếp lại quá khứ, hướng tới tương lai vì lợi ích của hai quốc gia và lợi ích của cộng đồng quốc tế.
Thật ra, sự gắn kết tương đồng giữa hai dân tộc đã có từ lâu trong lịch sử. Tại bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (9/1945), ngay câu mở đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn từ Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ.
Hơn 70 năm sau (1945 - 2016), trong cuộc chiêu đãi trọng thể ở Hà Nội, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, ông Trần Đại Quang đã dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh để liên hệ với mối quan hệ Việt - Mỹ hôm nay: "Qua hết mùa đông thì mùa xuân sẽ đến”.
Còn nhớ cách đây 16 năm, trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11/2000, khi dự bữa tiệc chiêu đãi quốc khách ở Phủ Chủ tịch, Tổng thống Bill Clinton đã dùng hai câu thơ trong Truyện Kiều của Thi hào Nguyễn Du để “vận” vào thời cuộc và quan hệ bang giao giữa hai nước: “Sen tàn cúc lại nở hoa - Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân”.
Cách đây gần 1 năm (7/2015), trong chuyến thăm Hoa kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại bữa tiệc chiêu đãi do Phó tổng thống Joe Biden chủ trì, Phó Tổng thống Joe Biden cũng dẫn hai câu Kiều bày tỏ hy vọng vào tương lai tươi sáng của hai quốc gia sau một giai đoạn lịch sử khó khăn: "Trời còn để có hôm nay- Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời".
Và đúng là “Trời còn để có hôm nay”, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, tương tự như người tiền nhiệm Bil Clinton, Tổng thống Obama không chỉ tiếp tục dẫn Kiều (Rằng trăm năm cũng từ đây - Của tin gọi một chút này làm ghi ", ông còn dẫn cả thơ của Lý Thường Kiệt (Rành rành định mệnh tại sách trời) và trích dẫn lời bài hát của các nhạc sĩ Văn Cao, Trịnh Công Sơn.
Trước đó, ngày 23/5, trong bài phát biểu tại Tiệc Chiêu đãi Nhà nước ở Hà Nội, Tổng thống Obama còn sử dụng hoa sen, một hình tượng văn hóa truyền thống của Việt Nam để so sánh với dân tộc Việt Nam.
Ông Obama nói: “Tôi được biết dân tộc Việt Nam luôn lấy nguồn cảm hứng từ hoa sen bởi lẽ hoa sen mọc từ trong bùn, đầy gian khó nhưng nó chính là biểu tượng của hy vọng. Nó sống và vươn lên ở những nơi mà các loại hoa khác không thể tồn tại. Vì thế, nó là biểu tượng của sức mạnh và sự can trường. Nó toả hương và khoe sắc vì vậy nó chính là biểu tượng cho cái đẹp. Tôi đề nghị nâng cốc chúc cho dân tộc Việt Nam với tất cả những phẩm chất của Hoa Sen”.
Xin bày tỏ lòng kính trọng với sự cảm nhận tinh tế của ông về hoa sen và dùng nó để so sánh với dân tộc tôi, một loài hoa sinh ra và lớn lên từ bùn đất “nơi mà các loại hoa khác không thể tồn tại vì thế nó là biểu tượng của sức mạnh và sự can trường” như lời ông nói.
Người Việt Nam chúng tôi yêu mến và quý trọng hoa sen còn bởi hoa sen không chỉ “biểu tượng cho cái đẹp” mà còn là biểu tượng của tinh thần cương trực qua câu ca dao: “Trong đầm gì đẹp bằng sen – Lá xanh, bông trắng lại chen nhụy vàng – Nhụy vàng, bông trắng lá xanh – Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Xin cám ơn ông đã hiểu, rất hiểu về dân tộc tôi, một dân tộc “Từ trong máu lửa lại vùng đứng lên” để rồi khi “Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa - Nguyễn Đinh Thi”.
Mong rằng sau khi kết thúc nhiệm kỳ, giống như Tổng thống Bil Clinton đã từng nhiều lần trở lại Việt Nam, ông cũng sẽ quay trở lại để tiếp tục đóng góp cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc, tiếp tục “lẩy Kiều”, thưởng thức văn hóa ẩm thực Việt với phở gà, bún chả và “nâng cốc chúc cho dân tộc Việt Nam với tất cả những phẩm chất của hoa sen”.
Bùi Hoàng Tám