"Truyện cấm" của 8X những năm trước và chuyện dạy con thời nay
(Dân trí) - Có lần, cậu lớp trưởng photo được cuốn "Cô giáo T." đem vào cho cả đám mượn, dấm dúi đọc trong giờ học. Ông thầy dạy Sinh "bắt quả tang" nhưng chỉ cười cười: "Mang về nhà mà đọc...!".
Kỷ niệm về những năm tháng trên ghế nhà trường phổ thông 20 năm trước được ông Huỳnh Chí Viễn, Giám đốc một trung tâm Anh ngữ (cũng là một nhà hoạt động trong lĩnh vực tâm lý giáo dục) kể lại , tôi nghĩ, hẳn khiến nhiều bạn đọc thế hệ 7X, 8X phải tủm tỉm cười, nhớ lại một quãng đời niên thiếu đã đi qua.
Thời đó chưa có mạng xã hội như bây giờ. Internet cũng chưa phát triển. Thanh thiếu niên tuổi mới lớn lúc đó chỉ mới nhắc đến yêu đương đã ngại ngùng, nhưng thực tế là "sóng ngầm" vẫn nổi. Ví như trong câu chuyện của ông Viễn, ngay cả học sinh lớp chuyên (vốn dĩ được coi là hình mẫu ngoan hiền, mọt sách) nhưng nhóm con trai có dịp là vẫn thuê băng video "cấm", rủ nhau lấm la lấm lét xem trộm.
Vậy nên, việc giới trẻ bây giờ với sự phổ cập của internet, sự hỗ trợ của các thiết bị thông minh (máy tính, điện thoại), nếu như có chuyện sớm tiếp cận với những hình ảnh, tin tức "nhạy cảm" thì cũng thật sự khó tránh.
Cách đây mấy ngày, dư luận xôn xao việc vợ của nghệ sĩ Xuân Bắc đăng trên trang Facebook dòng trạng thái: "Các bác kiểm tra tài khoản Facebook của con các bác đi. Ối thứ bất ngờ. Em cho out hết, 2 con điện thoại cũng cho nát. Rất nhiều thành phần xấu lôi kéo con vào nhóm xấu". Cùng đó, cô chụp màn hình, chia sẻ bức ảnh đồ họa 18+ trong nhóm chat ngay dưới phần bình luận.
Lập tức, từ khóa "vợ Xuân Bắc" đã lọt top Google Tìm kiếm với hơn 20.000 lượt truy vấn liên quan như "fb vợ xuân bắc", "nguyen hong nhung", "facebook của vợ xuân bắc", "fb nguyễn hồng nhung vợ xuân bắc",...
Đến một người rất ít khi "hóng biến" trên mạng như tôi, hầu như không quan tâm đến các "drama" của giới nghệ sĩ cũng đã được bạn bè, đồng nghiệp hỏi: "Đã xem status đấy chưa? Suy nghĩ như thế nào về cách xử lý ấy?".
Đại ý, cậu bé nọ đến tuổi "cập kê" bỗng một ngày bị mẹ phát hiện tham gia vào nhóm chat có hình ảnh 18+. Người mẹ, có lẽ là trong lúc nóng giận và cảm thấy sốc trước những gì xảy ra với con trai mình nên đã phản ứng rất gay gắt, đồng thời, "cảnh báo" với các bậc phụ huynh khác về những "đối tượng rủ rê".
Dù tôi cho rằng cách làm lớn chuyện gia đình trên mạng xã hội là không tế nhị, không khôn ngoan, nhưng tôi dường như cũng đã gặp cách xử lý đó ở những người mẹ khác: Có người quát mắng, có người đánh đòn, có người còn cấm túc con và bắt con phải kiểm điểm v.v. Phản ứng đó xuất phát từ việc con cái không làm theo ý muốn của chúng ta, không "ngoan hiền" như ta vẫn tưởng.
Điều mấu chốt là, dường như nhiều người lớn trong chúng ta đang nhìn nhận vấn đề "tò mò giới tính" của con cái theo một chiều hướng tiêu cực, cho đó là "hư hỏng", xấu xa. Chính bởi cách tiếp cận như thế nên vô hình trung, ta tự đẩy con cái ra xa mình.
Như ông Huỳnh Chí Viễn có nói: "Nữ thập tam, nam thập lục" - tuổi 13 với trẻ gái, 16 với trẻ trai đã là tuổi dậy thì, nhu cầu sinh lý phát sinh là chuyện hợp lẽ tự nhiên, không có gì sai trái. Việc quan tâm đến tình dục, giới tính là chuyện tự nhiên ở cả hai giới và "chẳng có gì hư hỏng". Tôi cũng có chung quan điểm này.
Con cái chúng ta không phải là những đứa trẻ không bao giờ lớn lên. Đến một độ tuổi nhất định, con sẽ có những đổi thay về tâm sinh lý, dù có muốn hay không thì những người lớn cũng phải chấp nhận một sự thật: chúng không bé bỏng mãi.
Nên chăng, ta cần học hỏi cách xử trí từ người thầy giáo ngày xưa của ông Viễn: Thầy không hùng hổ đòi "bêu" trước lớp, cũng không gay gắt đưa lên phòng giám thị như lúc bắt học sinh quay bài, để chứng tỏ mình là một "thầy giáo tử tế thanh cao". Cũng chính bởi vậy mà những người học trò năm xưa đến nay vẫn biết ơn và kính trọng thầy.
Hãy cứ đặt mình vào vị trí của con cái. Hơn ai hết, phụ huynh chúng ta cũng đã từng đi qua độ tuổi hoa niên với những chông chênh, lạ lẫm ấy.
Con cái cần ở bố mẹ bàn tay "chỉ dẫn ân cần" chứ không phải là "chỉ trỏ", là sự "tôn trọng" chứ không phải là "phán xét", là người bạn đồng hành hướng dẫn chứ không phải là một "giám thị". Bởi vậy nên, ta cần hiểu sự phát triển của con cả về thể chất lẫn tinh thần để định hướng con bằng sự yêu thương và cảm thông. Thay vì làm lớn chuyện và khiến con cảm thấy mặc cảm, tự ti, xấu hổ (đặc biệt là ở những nơi công cộng, bao gồm mạng xã hội) thì bố mẹ cần quan tâm con cái bằng một cách tế nhị hơn, cung cấp kiến thức giới tính để các con có thể đề kháng được với cám dỗ và những tệ nạn trong xã hội.
Sẽ là phản giáo dục nếu chúng ta cứ khăng khăng mình đúng, cho rằng những gì ta làm đều "vì con" song lại xuất phát từ sự tự cao, áp đặt, bằng cách phán xét, lên án, chỉ trích của kẻ bề trên… Con "học làm người", nhưng chính ta cũng đang mỗi ngày cần "học làm cha mẹ".