Tôn trọng sự thật mới có sự hòa hợp

(Dân trí) - Viết trên báo Nhân Dân, nhà báo Etcetera Nguyen – Tổng thư ký tuần báo Việt Weekly (Mỹ) chạm đến một điều sâu thẳm trong lòng không của mình mà của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài:

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

“40 năm suy nghĩ về sự kiện lịch sử 30-4, là một nhà báo sống ở nước ngoài trở về Việt Nam làm việc, tôi thấy công việc của mình ngày càng thú vị, hữu ích hơn cho độc giả của Việt Weeklyở khắp nơi trên thế giới. Có lẽ, chọn lựa trở về của tôi và anh chị em trong Việt Weekly chẳng khác nào những "con cá dám vượt vũ môn" từ một cộng đồng xa xôi, vẫn còn một nhóm người cực đoan, chống phá Nhà nước Việt Nam. Hãy cứ để thời gian trả lời bằng sự thật. Và chúng tôi, các nhà báo nguyện làm công việc khách quan, trung thực, để cung cấp những thông tin chính xác, nhanh nhạy đến người ở ngoài nước, không may mắn có được cơ hội tiếp cận thực tế”.

Thời gian đã quá dài, 40 năm, nhưng không ít người vẫn chưa nhận ra sự thật, sẽ còn chờ đợi nữa và chưa biết đến bao giờ. Sự kiên nhẫn của một dân tộc cho sự hòa hợp, hòa giải chưa đủ sức thuyết phục những đầu óc cực đoan hay sao?

Những đổi mới của Việt Nam trong thời gian qua được cả thế giới công nhận, nhưng một số người Việt ở nước ngoài cố tình không biết, hoặc không đủ thông tin để hiểu rõ. Thực tế cho thấy, Việt Nam đã có những bước phát triển đầy ấn tượng, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, những người cực đoan vẫn lấy hình ảnh đói nghèo của thời bao cấp hay những điều còn bất cập của ngày hôm nay để làm tâm điểm nói xấu Việt Nam.

Đó là thái độ thù nghịch, không phải xây dựng. Chính phủ Việt Nam sẵn sàng lắng nghe mọi ý kiến phản biện của mọi thành phần trong và ngoài nước. Nhưng phản biện là phải khoa học, có trách nhiệm và có ý thức xây dựng. Nếu trong lòng vẫn còn hằn học, cố tình chống phá, thì cái nhìn không thể khách quan, chân thành. Tôn trọng sự thật mới có sự hòa hợp. Yêu cầu này không đặt ra từ một phía.

Nhiều người Việt ở nước ngoài trở về Việt Nam, tham gia các hoạt động về giáo dục, kinh doanh và đã gắn bó với đất nước rất sâu sắc. Họ được đón nhận một cách trân trọng, các khoảng cách xóa dần. Đã có nhiều nhân vật tên tuổi trở về như Nguyễn Cao Kỳ, Phạm Duy, Khánh Ly…, đủ để những người cực đoan thấy rằng, đã không còn những cản trở như trước đây. Trong lĩnh vực kinh doanh, có thể còn tồn tại những thủ tục chưa thông suốt, nhưng đó là tình trạng chung của một nền hành chính chưa tốt, không phải do phân biệt đối xử.

Tất nhiên, sự hòa hợp phải đến từ hai phía. Chính phủ Việt Nam cũng cần tiếp tục có những chính sách hiệu quả để cho cộng đồng người Việt Nam có thêm nhiều cơ hội trở về, hội nhập và hòa hợp.

Sẽ không có gì thuyết phục hơn khi chính Việt Nam giàu mạnh, người dân sống trong một đất nước tự do, dân chủ. Lúc đó thì dù cho ai có muốn chống đối cũng không được, dù cho ai muốn xuyên tạc cũng không có người nghe…

Lê Chân Nhân

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!