Thực sự cầu hiền, bầu cử công bằng

(Dân trí) - Dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND sửa đổi đang được bàn thảo rộng rãi lấy ý kiến nhân dân, trước khi Quốc hội xem xét lần cuối để thông qua vào tháng 6 tới. Nhiều ý kiến đóng góp rất tâm huyết, xác đáng, khoa học, phù hợp với nguyện vọng chung của cử tri, của toàn xã hội.

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Góp ý trên Vietnamnet ngày 9.4, TS Nguyễn Minh Tuấn nêu một vấn đề ai cũng biết nhưng không phải dễ nói, đó là hạn chế của việc bầu cử mà đại biểu được lựa chọn chỉ theo cơ cấu đại biểu định sẵn. Sẽ xuất hiện nhiều trường hợp người đủ tiêu chuẩn thì chưa chắc đã nằm trong cơ cấu và người nằm trong cơ cấu thì chưa chắc đã đủ tiêu chuẩn. Hoặc có người được giới thiệu nhưng cử tri không bầu, đại biểu có thể được cử tri bầu thì không được giới thiệu hoặc không được công nhận.

Thực tế cho thấy có những đại biểu xuân thu nhị kỳ đi họp Quốc hội, hội đồng nhân dân, nhưng chưa tham gia được vào công việc của Quốc hội, hội đồng nhân dân tương xứng với vai trò và trách nhiệm của mình. Có đại biểu kiến thức pháp luật và kinh tế xã hội chưa đáp ứng, cho nên phát biểu không chuẩn khiến cho cử tri thất vọng. Không ít người chỉ có mặt cho đầy đủ các cuộc họp, nhưng không đưa ra được một sáng kiến, thậm chí một ý kiến có giá trị. Cử tri rất quan tâm theo dõi các kỳ họp Quốc hội, hội đồng nhân dân, hiểu rõ được chất lượng của đại biểu.

Chất lượng của các quyết sách từ Quốc hội, hội đồng nhân dân phụ thuộc vào chất lượng của đại biểu. Do đó, lựa chọn người có năng lực thực sự để giao trọng trách là việc vô cùng quan trọng. Nếu như bầu đại biểu Quốc hội mà người tài không có cơ hội do không được cơ cấu thì lãng phí không phải cá nhân người đó, mà lãng phí cho đất nước.

Trong bất cứ môi trường nào, chỉ có cạnh tranh công bằng và minh bạch thì mới tạo giá trị thật, đối với hàng hóa thì lựa chọn được sản phẩm chất lượng cao, đối với con người thì tìm ra được người tài, đức.

Vậy thì vấn đề đặt ra là, các quy định, cơ chế bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân hiện này còn những hạn chế gì để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.

Nhiều quốc gia tôn trọng cá nhân tự ứng cử. Người ứng cứ, vận động người dân bỏ phiếu bằng tài năng và bản lĩnh của mình. Họ đề ra các cương lĩnh, chính sách thuyết phục, đáp ứng được nguyện vọng của đa số người dân. Cần tham khảo và vận dụng các hình thức tranh cử và vận động tranh cử của các nước tiên tiến để áp dụng vào thực tiễn Việt Nam.

Hình thức hay quy định gì, cho dù ở quốc gia nào, cũng chỉ thành công khi đạt được hai tiêu chí: Thật thực cầu hiền, bầu cử công bằng.

Lê Chân Nhân

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!