Thời điểm rất quan trọng để tham vấn, đừng để 5-10 năm sau rút kinh nghiệm
(Dân trí) - Cần nhấn mạnh rằng, đại dịch Covid-19 là chưa từng có tiền lệ. Một bộ phận doanh nghiệp và người dân đã kiệt quệ do đại dịch. Cần kích thích kinh tế tăng trưởng, và cũng cần thận trọng với rủi ro...
800.000 tỷ đồng là con số đang được đồn đoán về một gói hỗ trợ có thể sẽ được tung ra để "giải cứu" kinh tế - con số này tương đương tới 10% nhưng cũng có nguồn tin cho rằng, con số đang được tính toán thấp hơn, khoảng 2-3% GDP.
Nói chung là chưa "chốt" con số cụ thể, song chương trình hỗ trợ đúng là đang được bàn bạc, với quy mô rất lớn và độ bao phủ rộng với kỳ vọng tạo đà tăng trưởng GDP, vực dậy nền kinh tế nước ta sau đại dịch.
Được biết, tại một hội nghị tham vấn về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một chuyên gia kinh tế kỳ cựu thẳng thắn đứng lên nêu quan điểm, phải chi mạnh tay để cứu nền kinh tế. Không chi, theo vị này, là có tội với doanh nghiệp, có tội với đất nước.
Việc tung ra những gói hỗ trợ để kích cầu nền kinh tế, vốn dĩ chẳng phải đến bây giờ chúng ta mới bàn đến mà thực tế trên thế giới đã có nhiều quốc gia áp dụng. Hiểu đại khái là khi có nhiều tiền hơn thì các thành phần trong nền kinh tế đều sẽ tăng chi tiêu, hoạt động trao đổi - mua bán - sản xuất kinh doanh cũng sẽ được thúc đẩy.
Tuy nhiên, song song với đó, hoạt động "bơm tiền" sẽ khiến đồng tiền bị mất giá (lạm phát). Bằng chứng là vừa qua, giá dầu, giá khí đến giá hàng hóa… trên thị trường thế giới leo thang chóng mặt.
Ở Việt Nam hiện tại, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn đang được kiểm soát ở mức an toàn, mục tiêu trong năm nay cũng chỉ dưới 4%. Tuy nhiên, khi các chính sách kích thích kinh tế được phê duyệt với gói hỗ trợ quy mô lớn thì khó tránh khỏi lạm phát gia tăng.
Trình bày trước hội trường Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng đã thẳng thắn bày tỏ: "Việc đảm bảo mục tiêu lạm phát năm 2021 dưới 4% có thể đạt được, nhưng năm 2022, rủi ro lạm phát có áp lực rất lớn".
Hơn nữa, nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang gia tăng, theo đó, các gói hỗ trợ lãi suất còn phải tính đến khả năng bảo đảm an toàn của hệ thống tín dụng.
Trong khi đó, về phía tài khóa, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc mặc dù bày tỏ ủng hộ các gói kích cầu để phát triển kinh tế, song cũng nhìn nhận, các gói này phải có hiệu quả để tăng thu ngân sách, giữ được bội chi ngân sách. Ông Phớc đồng thời bày tỏ băn khoăn khi có tiền rồi, nền kinh tế có hấp thụ được không và vào lĩnh vực nào. Theo ông, tiền phải đổ vào các dự án đầu tư công để dẫn dắt đầu tư, tạo nên đột phá lớn để tăng trưởng.
Vậy nhưng, nếu chúng ta nhìn vào kết quả giải ngân vốn đầu tư công như thời gian vừa qua thì vấn đề hấp thụ vốn lại cũng cần phải bàn, xem xét kỹ. Nhìn chung, sự thận trọng của những "tư lệnh ngành" là dễ hiểu.
Về phía các chuyên gia kinh tế, đang có những quan điểm trái chiều xung quanh giải pháp này. Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Vietnam - nói với Dân trí rằng, việc thực hiện các gói kích cầu nền kinh tế cần thiết, cần bơm tiền, nhưng bơm thế nào để không tạo hệ lụy cần được tính toán hết sức thận trọng.
Một chuyên gia khác cũng cảnh báo, nếu Chính phủ cố ép lãi suất, tăng bơm tiền ra nền kinh tế, tiền chưa chắc đến được khu vực sản xuất kinh doanh mà nhiều khả năng sẽ chảy sang các kênh tài sản, kích thích đầu cơ.
Còn theo ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng: "Xác định gói kích thích kinh tế trong điều kiện đặc biệt thì cần có những quyết sách đặc biệt. Tuy nhiên, đây là việc rất lớn, tác động sâu rộng, kéo dài. Do vậy, tôi cho rằng các chính sách đưa ra cần thận trọng, đồng ý là quyết liệt nhưng không làm bằng mọi giá".
Ai đã từng trải qua thời kỳ lạm phát hai chữ số của khoảng một thập kỷ trước, hẳn đều không quên được giai đoạn khó khăn đó. Cho nên bây giờ đã có nhiều người, nhiều gia đình phòng thủ bằng việc mua đất, mua vàng. Dễ hiểu vì sao giá đất lại sốt đến như vậy. Nhưng ở mặt khác, với người nghèo, thu nhập thấp, lo cái ăn cái mặc còn vất vả, lấy tiền đâu mà mua đất? Họ phòng thủ thế nào nếu bão giá xảy ra?
Cần nhấn mạnh rằng, đại dịch Covid-19 là chưa từng có tiền lệ. Một bộ phận doanh nghiệp và người dân đã kiệt quệ do đại dịch. Cần kích thích kinh tế tăng trưởng, và cũng cần thận trọng với rủi ro. Bối cảnh hiện nay Chính phủ, cơ quan điều hành cần sự lên tiếng, thảo luận, góp ý, phản biện từ giới chuyên gia, các giáo sư, tiến sĩ một cách thẳng thắn và kịp thời. Đừng để 5-10 năm sau khi mọi sự đã rồi thì mới phân tích và rút kinh nghiệm!