“Then chốt trục trặc” bởi quyền lực tác oai tác quái

(Dân trí) - “Ngay từ năm 2014, tôi nêu vấn đề, trong nhân dân có nói chuyện chạy chức chạy quyền, đề nghị làm rõ, có hay không, ai chạy, chạy ai; nay đã làm rõ một bước nhưng đây vẫn là vấn đề nhức nhối” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói như vậy tại hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2017 do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức ngày 19/1.

“Then chốt trục trặc” bởi quyền lực tác oai tác quái - 1

Khi 10 ngày xét xử các cựu quan chức của Tập đoàn Dầu khí (PVN) vừa khép lại, cho đến hiện tại, câu hỏi “chạy ai, ai chạy” mà người đứng đầu của Đảng đặt ra hơn 3 năm trước vẫn còn nhức nhối trong mỗi người dân.

Nói là “làm rõ một bước”, bởi khi các vụ sai phạm bị phơi bày, nhiều cá nhân không đủ phẩm chất, năng lực bị “lộ sáng” thì đồng thời, một số vấn đề trong công tác bộ nhiệm lập tức bị khui ra trước dư luận.

Không ít vụ việc với sự vào cuộc của Uỷ ban Kiểm tra trung ương đã gây “rúng động” chỉ trong một thời gian ngắn. Từ vụ “bổ nhiệm thần tốc” Trần Vũ Quỳnh Anh ở Thanh Hoá cho đến các vụ bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Anh, Trịnh Xuân Thanh, Lê Phước Hoài Bảo, Vũ Minh Hoàng…

Trong những vụ việc đó, nhiều cán bộ vi phạm quy trình bổ nhiệm đã bị kỷ luật. Như vụ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh, người từng đứng đầu Bộ Công Thương là ông Vũ Huy Hoàng bị kỷ luật cảnh cáo, cách chức “nguyên Bộ trưởng”, ông Huỳnh Minh Chắc - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2010 – 2015 cũng bị “cảnh cáo”…

Riêng bà Hồ Thị Kim Thoa, một quan chức đang tại nhiệm (Thứ trưởng),sau khi bị “khiển trách” thì còn bị “rời ghế”.

Với việc kỷ luật như thế, không thể nói là Đảng, Nhà nước, Chính phủ “giơ cao đánh khẽ”, không mạnh tay trong vấn để xử lý sai phạm về bổ nhiệm cán bộ. Tuy nhiên, vẫn còn đó những điều đáng tiếc, người viết xin để dấu chấm lửng với hy vọng, những vụ việc này sẽ tiếp tục được xử lý đến cùng, chưa hoàn toàn khép lại...

Tổng Bí Thư nói: “Chúng ta càng ngày càng thấm thía cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân”. “Công việc của Ban tổ chức các cấp là then chốt của then chốt. Nếu chốt rắn chắc, cứng cáp thì công việc trôi chảy, suôn sẻ; còn nếu chẳng may cái chốt này mà mọt hoặc trục trặc thì không biết tình hình sẽ thế nào”.

Cứ nhìn vào những vụ án tại PVN vừa qua, nhìn vào số lượng cán bộ ngành Dầu khí phải hầu toà mới thấy, khi bổ nhiệm không đúng người vào đúng vị trí, thì cái sai của một cá nhân, một nhóm cá nhân rất dễ trở thành “sai hệ thống”.

Hậu quả, không chỉ ngân sách bị thất thoát, bòn rút tiền tỷ mà Nhà nước còn mất cả loạt cán bộ cấp cao của một tập đoàn lớn, rất nhiều gia đình mất đi người thân, mất đi trụ cột.

Nhìn lại vụ xét xử này mới thấy, ngay cả khi các bị cáo được nói lời cuối cùng, bên cạnh những phát biểu đầy cay đắng và chua xót, bi thương thì cũng có những lời nói ra ngây ngô đến mức khiến người nghe cảm thấy sững sờ khiến nhiều người băn khoăn tự hỏi: “Chẳng lẽ với tư duy, với cốt cách như thế này mà bị cáo đó có thể từng điều hành một doanh nghiệp lớn hay sao?!”.

Blog Dân trí từng hơn một lần đặt vấn đề, rằng đằng sau “chạy chức, chạy quyền” thực ra là một hình thức “tham nhũng quyền lực”. Không dưng những người bổ nhiệm lại lách quy trình, lại bất chấp dư luận để cài cắm người thân, con cháu, người nhà vào hệ thống. Việc này nhằm tạo “vây cánh” để củng cố quyền lực và lũng đoạn tổ chức.

Bên cạnh đó, người viết cho rằng, điều này còn đến từ một thứ “chất gây nghiện” nằm trong quyền lực mà bản thân người nắm quyền bị chính quyền lực điều khiển. Chính bởi không làm chủ được mình trước quyền lực, không ý thức việc “nhốt quyền lực vào lồng” nên mới có chuyện để quyền lực tái oai tác quái, cấp trên bất chấp pháp luật chỉ đạo, cấp dưới sợ hãi làm theo.

Nói cho cùng, ma tuý là chất gây nghiện, ai sờ tới cũng đều phải trả giá. Và quyền lực khi không được sử dụng đúng chỗ, đúng người cũng tương tự vậy!

Bích Diệp