"Thấy mình nước mắt rưng rưng"
(Dân trí) - Bài thơ là câu chuyện về đời sống của các em nhỏ vùng cao qua lời kể của một cô giáo trẻ. Những câu chuyện không mới bởi nó đã có từ lâu rồi và vẫn tiếp tục diễn ra. Lời kể giản dị về những điều “giản dị” được thể hiện qua những vần thơ giản dị “trong đêm lặng lẽ của rừng” không khỏi “thấy mình khóe mắt rưng rưng”…
Thày cô giáo và học sinh ở các thành phố lớn những ngày qua như chìm ngập trong không khí tưng bừng với hoa, quà và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thế nhưng còn nhiều lắm những thầy cô giáo và các em nhỏ vùng sâu vùng xa nơi núi cao rừng thẳm vẫn ngày ngày đối mặt với vất vả, khó khăn. Vẫn còn nhiều lắm những ước mong được tặng dù chỉ một bó hoa tươi cho ngày trọng đại. Vẫn còn nhiều lắm những ước mơ ăn no, mặc ấm dầu chỉ là bữa “cơm có thịt”.
Xin cám ơn các thầy cô giáo đã hi sinh cả tuổi trẻ của mình nơi núi cao, rừng thẳm và chia sẻ cùng các em những vất vả, khó khăn.
Trò chuyện với cô giáo trẻ ở Quang Bình
- Chúng em trên này rất khổ
Nói chi chị cũng biết rồi
Nhưng mà mình là người lớn
Chỉ thương cho các em thôi.
Nhiều đứa mười ba, mười bốn
Bỏ học để đi… lấy chồng
Thế là mười lăm, mười sáu
Đã con tay bế tay bồng
Có đứa dở chừng năm học
Ở nhà theo mẹ lên nương
Bọn em phải đến từng bản
Để “lôi” các em đến trường
Mùa đông Quang Bình lạnh lắm
Học trò đội gió, đội sương
Cái mặc, cái ăn không đủ
Ngậm ngùi, càng nghĩ càng thương…
Tôi ngồi nghe cô giáo kể
Trong đêm tĩnh lặng của rừng
Ngoài trời một cơn gió thổi
Thấy mình khóe mắt rưng rưng!
Nguyễn Thị Phong Lan
Hà Giang tháng 11/2015