Tham nhũng… đến từ đâu?
(Dân trí) - Doanh nghiệp bên bờ vực phá sản thì lãnh đạo vẫn có thể “hạ cánh an toàn”. Tài sản vẫn nguyên vẹn. Có lẽ cái công thức: Làm ăn bết bát => Vay nợ đầm đìa = Tư gia khá giả => Hạ cánh an toàn chính là động lực thúc đẩy… tham nhũng.
Cử tri quan tâm và đặt vấn đề chống tham nhũng với các vị lãnh đạo, bởi vì tham nhũng đã trở thành đại họa của quốc gia. Liên tục trong thời gian qua, một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đã phá không biết bao nhiêu là của cải. Người dân phẫn nộ vì tiền thuế của mình đã bị bọn tham nhũng tiêu xài đục khoét. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói một câu đầy tâm tư: “Nhiều cử tri nói thẳng với tôi “một số cán bộ có ăn hối lộ thì cũng ăn vừa phải
thôi, ăn hết như thế thì còn đâu để nhân dân ăn”. Các “bầy sâu” tham nhũng mà Chủ tịch Trương Tấn Sang từng nói năm trước, không những chưa diệt trừ được, mà ngày càng sinh sôi nhiều hơn. Đất nước đang mang một nỗi đau rất lớn – nỗi đau tham nhũng.
Đau là vì có một số cán bộ lãnh đạo của các tập đoàn, doanh nghiệp giàu có ghê gớm, nhưng một bộ phận dân chúng thì sống trong thiếu thốn, nhất là trong giai đoạn kinh tế gặp nhiều khó khăn. Có cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước làm ăn vung vít, tiêu xài vung trời, nhưng làm ăn đụng đâu cũng thua lỗ, nợ nần hàng chục ngàn tỉ đồng. Thế rồi vẫn hạ cánh an toàn, vợ con họ sống xa hoa vương đế. Dân chúng không căm giận sao được trước những con sâu loại này?
Có chuyên gia bình luận, ở Việt Nam sướng nhất là làm chủ doanh nghiệp nhà nước. Nếu làm ăn giỏi thì bổng lộc nhiều, còn có cửa thăng quan tiến chức, nếu lỗ thì nhà nước chịu, hoặc chí ít cũng được ngân hàng khoanh nợ. Kể cả doanh nghiệp bên bờ vực phá sản thì lãnh đạo vẫn có thể “hạ cánh an toàn”, chẳng ảnh hướng gì đến tài sản cá nhân. Bình luận này rất chính xác và đó chính là nỗi đau ghê gớm của đất nước.
Có lẽ cái công thức: Làm ăn bết bát => Vay nợ đầm đìa = Tư gia khá giả => Hạ cánh an toàn chính là động lực thúc đẩy… tham nhũng.
Trong khi một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước làm thiệt hại, thất thoát, lãng phí, nợ nần hàng chục ngàn tỉ đồng thì khối doanh nghiệp tư nhân không vay được tiền để sản xuất kinh doanh. Hàng sản xuất bị tồn kho, hoạt động kinh doanh bị đình đốn, doanh nghiệp phá sản như một nạn dịch.
Một nền kinh tế mà doanh nghiệp phá sản hàng loạt và liên tục liệu có cứu vãn được nền kinh tế đó trong thời gian ngắn không? Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, nhưng chắc chắn có nguyên nhân từ tham nhũng.
Đó là nỗi đau của đất nước.
Lê Chân Nhân
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!