Tác phẩm Tiến quân ca và "chiếc gậy" bản quyền
(Dân trí) - Đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn nhận nghiêm túc về "bản quyền Quốc ca". Việc xác lập, bảo vệ bản quyền đối với tác phẩm này cần phải được nhìn nhận và thực hiện trên góc độ pháp luật.
Tối 6/12, khán giả theo dõi trận đấu giữa Việt Nam và Lào trong khuôn khổ AFF Cup trên kênh YouTube không nghe được lời hát Quốc ca. Sự việc khiến người hâm mộ môn túc cầu nói riêng và người dân Việt Nam hết sức bức xúc bởi Tiến quân ca - Quốc ca Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình lịch sử của dân tộc, cũng như đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Việt Nam.
Lý do mà đơn vị tiếp phát trận đấu trên nền tảng YouTube đưa ra là "Vì lý do bản quyền âm nhạc". Lý do này càng thổi bùng sự bức xúc của người dân Việt Nam cũng như gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao - tác giả của ca khúc bất hủ này. Bởi lẽ, ca khúc Tiến quân ca đã được gia đình cố nhạc sĩ hiến tặng cho Nhân dân và Tổ quốc Việt Nam.
Trong sáng 7/12, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm việc với các cơ quan liên quan về "sự cố" này.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến Tiến quân ca một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng). Đơn vị này cũng yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam.
Đại diện Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng khẳng định họ đã cung cấp bản Quốc ca chuẩn, xin phép lấy nguồn từ Cổng thông tin Chính phủ để cung cấp cho Liên đoàn bóng đá Châu Á - đơn vị tổ chức giải đấu này. Tác phẩm Tiến quân ca được phát trong phần mở đầu trận đấu tối 6/12 có bị "đánh dấu bản quyền" hay các kênh YouTube chủ động tắt tiếng tránh việc bị đánh bản quyền vẫn chưa ngã ngũ. Nhưng rõ ràng, Quốc ca bị tắt tiếng trước trận đấu đã làm tổn thương người dân Việt Nam khi theo dõi trận bóng qua nền tảng số.
Cần phải nhắc lại rằng, đây không phải là lần đầu tiên tác phẩm âm nhạc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với lịch sử, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Việt Nam nảy sinh tranh cãi liên quan đến vấn đề bản quyền.
Quốc ca Việt Nam được quy định trong Hiến pháp là nhạc và lời Tiến quân ca là "tài sản" chung của Tổ quốc và Nhân dân do cố nhạc sĩ Văn Cao sáng tác. Tuy nhiên trên thực tế, tác phẩm âm nhạc luôn được "làm mới" bằng thay đổi cách hòa âm, phối khí. Vậy, bản thu âm mới có thực sự vi phạm "bản quyền" đối với phần lời và nhạc của tác phẩm Tiến quân ca hay không hiện dường như vẫn là một ranh giới chưa được phân định rõ ràng.
Việc một đơn vị vẫn có thể xác lập bản quyền đối với một tác phẩm thu âm Tiến quân ca nếu không vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ thì rõ ràng công tác quản lý đối với "tài sản vô giá" này đang có lỗ hổng bởi đây là một tác phẩm có giá trị vô cùng đặc biệt, không thể để cá nhân hóa quyền sở hữu hay sử dụng nó để đưa về lợi nhuận cho một cá nhân hay tổ chức cụ thể nào. Trách nhiệm này trước hết thuộc về người chịu trách nhiệm quản lý tác phẩm này.
Đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn nhận nghiêm túc về "bản quyền Quốc ca". Việc xác lập, bảo vệ bản quyền đối với tác phẩm này cần phải được nhìn nhận và thực hiện trên góc độ pháp luật.
Cá nhân người viết đồng ý với quan điểm của luật sư Nghiêm Quang Vinh: Chúng ta nên thực hiện việc đăng ký bản quyền quốc tế đối với Tiến quân ca. Bất cứ cá nhân, tổ chức, đơn vị nào kể cả ở nước ngoài muốn sử dụng ca khúc đều phải xin phép. Nhà nước cũng nên thực hiện sản xuất bản ghi Quốc ca chuẩn và phát miễn phí trên các nền tảng số âm nhạc.
Đó là cách duy nhất chúng ta bảo vệ bản quyền đối với tài sản tinh thần vô giá này.