“Tác giả” tại cuộc thi “thoảng mùi o bế cháu con” được tặng Huân chương!

(Dân trí) - Không hiểu sao Quyết định được ký từ ngày 29/12/2016 mà mãi một năm rưỡi sau (1.6.2018) mới được công bố? Có gì uẩn khúc ở đây không? Tại sao lại đi “hoãn sự sung sướng” làm gì nhỉ?

“Tác giả” tại cuộc thi “thoảng mùi o bế cháu con” được tặng Huân chương! - 1

Những ngày này, cả nước đang xôn xao xung quanh vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng tại Kỳ thi Trung học phổ thông năm 2018, trong đó, nhiều cán bộ đã bị bắt thì ngày 21 và 26/6 vừa qua, báo Tiền phong đăng tải một thông tin không khỏi giật mình.

Đó là một số vị vi phạm trong cuộc thi “thoảng mùi o bế cháu con” tại Bộ Công Thương năm 2013 đã được tặng phần thưởng cao quí.

Báo Tiền phong ngày 21.6, bài “Sau bê bối thi tuyển công chức: Cục trưởng QLTT nhận Huân chương” viết: “Ngày 1/6/2018, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, tại trụ sở Bộ Công Thương, lãnh đạo bộ này đã trao Huân chương Lao động hạng Ba (được Chủ tịch nước ký ngày 29/12/2016) cho các ông Trịnh Văn Ngọc – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT), ông Nguyễn Trọng Tín – Phó Cục trưởng Cục QLTT, ông Đỗ Hữu Quang – nguyên Phó Cục trưởng Cục QLTT vì những thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn giai đoạn 2011-2015”.

Bài báo cũng cho biết có nhiều ý kiến thắc mắc, cho rằng trong vụ thi tuyển công chức tai tiếng năm 2013, lẽ ra ông Trịnh Văn Ngọc khi đó là Phó chủ tịch Hội đồng thi tuyển công chức cũng phải chịu trách nhiệm về các sai phạm liên quan. Thế nhưng, ông Ngọc không bị xử lý kỷ luật mà sau đó tiếp tục được giao Phó cục trưởng Phụ trách khi ông Trương Quang Hoài Nam luân chuyển về làm Phó Chủ tịch tỉnh Cần Thơ và hiện, ông Ngọc đương nhiệm Cục trưởng Cục QLTT.

Bài báo còn dẫn lời một cán bộ QLTT: “Vậy, việc Bộ Công Thương căn cứ đề xuất nào để làm thủ tục khen thưởng cho ông Ngọc cùng các ông Nguyễn Trọng Tín – Phó Cục trưởng Cục QLTT, ông Đỗ Hữu Quang – nguyên Phó Cục trưởng Cục QLTT được nhận Huân chương Lao động hạng 3 khi mọi danh hiệu thi đua khen thưởng của ông Ngọc và các lãnh đạo khác của Cục QLTT đã bị tước bỏ? Chưa kể ông Ngọc đã có những thành tích xuất sắc nào trong giai đoạn 5 năm đó. Hồ sơ báo cáo thành tích của ông Ngọc đã được làm đẹp ra sao cũng cần được làm rõ”.

Trong bài “Bộ Nội vụ sẽ kiểm tra việc kê khai thành tích” đăng sau đó 5 ngày (26.6), báo Tiền phong cho biết: “Với các trường hợp kê khai thành tích không đúng để được nhận Huân chương Lao động hạng Ba, nếu bị phát hiện, cá nhân và đơn vị đề nghị sẽ phải chịu trách nhiệm. Bộ Nội vụ sẽ cho kiểm tra lại và làm rõ việc này”. Một lãnh đạo Bộ Nội vụ nói.

Cũng theo thông tin của Tiền phong, hiện đã có một đại biểu Quốc hội (đề nghị tạm thời chưa nêu tên) đã có ý kiến đề nghị Bộ Nội vụ vào cuộc kiểm tra lại các thành tích của ông Ngọc cũng như các lãnh đạo khác của Cục QLTT.

Theo ĐB này, khi ông Ngọc và các cá nhân khác đã bị tước bỏ toàn bộ các danh hiệu thi đua năm 2013 thì đã không đáp ứng đủ điều kiện. Chưa kể việc xét thành tích cho cá nhân bị kỷ luật để nhận Huân chương là việc cần làm rõ. “Tôi đã đề nghị Chủ tịch Hội đồng khen thưởng của Bộ Nội vụ làm rõ việc này”, vị ĐB Quốc hội này nói.

Như vậy là có thể nói, chỉ ít lâu nữa, sự việc sẽ có kết luận cuối cùng từ Bộ Nội vụ.

Song, có lẽ cũng nên nhắc lại sự kiện tháng 10.2013, Cục Quản lý thị trường tổ chức thi tuyển công chức, có 299 thí sinh tham gia nhưng chỉ tiêu chỉ tuyển 10 người. Kết thúc kỳ thi, đã có nhiều đơn thư khiếu nại, phản ánh và cho biết cả 10 thí sinh trúng tuyển này đều được cho là con cháu của người trong Cục. Ngày 13.8.2014, Bộ Công Thương đã hủy kết quả kỳ thi này đồng thời kỉ luật một số cán bộ, trong đó cắt thi đua khen thưởng của Cục.

Về quan điểm cá nhân, người viết bài này cũng thắc mắc bởi mấy lẽ.

Thứ nhất, một vụ vi phạm qui chế thi nghiêm trọng mà sau đó, nhiều thành viên Ban Tổ chức cuộc thi lại được thăng chức và khen thưởng. Cụ thể, ông Chủ tịch Hội đồng Trương Quang Hoài Nam được luân chuyển, làm Phó Chủ tịch tỉnh Cần Thơ.

Ông Phó Cục trưởng Trịnh Văn Ngọc vừa được thăng chức (thay thế chức Cục trưởng của ông Nam), vừa được tặng thưởng Huân chương?

Băn khoăn thứ hai, đó là không hiểu sao Quyết định được ký từ ngày 29/12/2016 mà mãi một năm rưỡi sau (1.6.2018) mới được công bố? Có gì uẩn khúc ở đây không? Tại sao lại đi “hoãn sự sung sướng” làm gì nhỉ?

Băn khoăn thứ ba, thời điểm các vị này được xét thành tích khen thưởng trùng với thời điểm Trịnh Xuân Thanh được xét thành tích khen thưởng, liệu có gì “trùng hợp” ở đây?

Băn khoăn thứ tư, cũng sai phạm nghiêm trọng trong thi cử, trong khi nhiều cán bộ ở Hà Giang sa vòng lao lý thì ở đây, họ không chỉ “bình an, vô sự” còn được… thăng, thưởng liệu có công bằng?

Và cuối cùng là câu than vãn: “Trời ơi ông Vũ Huy Hoàng – Trời ơi sao lại “tan hoang” thế này”.

Bùi Hoàng Tám