Sĩ diện điểm số

(Dân trí) - Sau vụ nâng điểm gây “rúng động” dư luận ở Hà Giang lại đến lượt vụ gian lận điểm thi ở Sơn La, người viết sẽ không bàn thêm về tính nghiêm trọng của vấn đề này mà chỉ bàn một thực tế: Tâm lý xem trọng điểm số vẫn còn rất nặng nề, vẫn còn chủ nghĩa thành tích ở hầu hết người lớn – bất kể làm công việc gì, vị trí nào trong xã hội.

Sĩ diện điểm số - 1

Xin mượn tiêu đề cuốn sách của TS Đặng Hoàng Giang: “Bức xúc không làm ta vô can” để đặt câu hỏi về thái độ của chúng ta về điểm số và thành tích: Liệu rằng mỗi phụ huynh trong chúng ta có thường quan trọng hoá vấn đề điểm số, có coi điểm số như là tiêu chí duy nhất để đánh giá về nỗ lực của con cháu mình?

Có bao nhiêu bậc làm cha làm mẹ, sau mỗi ngày làm việc lại vùi đầu vào điện thoại và Facebook, thay vì chơi cùng con, học cùng con, thế nhưng lại luôn đòi hỏi ở các con mình phải đạt danh hiệu này, danh hiệu khác để mỗi khi ra đường có thể nở mày nở mặt với thiên hạ?

Có bao nhiêu sinh viên ra trường với tấm bằng khá/giỏi, nhưng không còn nhớ đã trải qua những môn học nào, tên môn học là gì và có ý nghĩa ứng dụng như thế nào trong cuộc sống?

Và có bao nhiêu người đã được phổ cập ngoại ngữ, điểm số trong học bạ đỏ chót 9, 10, thế rồi sau 12 năm, vốn từ vẫn chỉ dừng lại ở chữ “xin chào”…

Trong thực tế, chúng ta vẫn luôn chỉ trích việc “học gạo” – học trước quên sau, học chỉ lấy điểm rồi “chữ thầy trả thầy”, không biết áp dụng vào công việc và đời sống hàng ngày. Song có lẽ, quan niệm “học kiếm điểm” đã ăn sâu vào rất nhiều người trong chúng ta, từ ghế nhà trường cho đến khi đã trở thành ông bà, cha mẹ.

Có những bậc phụ huynh sẵn sàng đến trường “ăn thua” với giáo viên chỉ vì cho con mình điểm thấp. Và cũng chỉ vì điểm số và thành tích mà đã xảy ra những trường hợp học sinh quyên sinh đầy đau xót ở một số trường chuyên khi các em không vượt qua được áp lực, cảm thấy thua bè kém bạn, không đáp ứng kỳ vọng mà người lớn đặt ra.

Chúng ta bức xúc với những tiêu cực, gian lận, bất công… nhưng đâu đó trong các bậc phụ huynh chúng ta vẫn còn lo lắng lắm, vẫn phong bì, phong bao cho các thầy cô giáo, vẫn rủ nhau mở lớp học thêm cho các con để mời thầy cô đến dạy. Sâu xa, cũng bởi vì phó thác việc học của con cho nhà trường, cũng bởi lo thành tích của con giảm sút.

Đương nhiên, có con cháu giỏi giang, ngoan ngoãn ai cũng tự hào. Niềm tự hào về con cháu trở thành niềm vui sống, sự an ủi đối với người lớn. Song không thể phủ nhận, không ít bậc phụ huynh lại coi thành tích của con cháu như món trang sức không hơn không kém.

Thế rồi, cũng bởi món trang sức ấy mà dẫn đến tình trạng “mua điểm”, chạy chọt thành tích… Đâu biết rằng, ngay cả điểm mà cũng phải “mua”, phải “chạy” thì lớp trẻ sau này còn thương mại hoá cuộc đời với bao nhiêu thương vụ đổi chác khác!

Điểm – tiêu chí đánh giá về năng lực của một người, trong nhiều trường hợp trở nên vô nghĩa, thay vào đó là quan hệ và tiền.

Cá nhân người viết cho rằng, đã đến lúc mỗi chúng ta phải thay đổi về phương pháp giáo dục, đừng quá phó thác cho xã hội và ỷ lại Bộ Giáo dục & Đào tạo. Xin hãy “cởi trói” cho lớp trẻ khỏi tư duy điểm số và căn bệnh thành tích của người lớn.

Điểm số không phải là tất cả hành trang của người trẻ tuổi, mà còn cần những kỹ năng mềm: Kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, vượt qua khủng hoảng v.v. Những kỹ năng đó phải tự thân mỗi người tích luỹ, học tập và rèn luyện, nhưng lại quyết định đến tương lai và bản lĩnh sống của người đó về sau.

Nên đạt điểm cao trong một kỳ thi chưa phải là đã có hết trong tay, còn lỡ như điểm thấp, cũng không phải mọi cánh cửa cuộc đời đã khép lại. Tất cả chỉ mới bắt đầu…

Bích Diệp