Sao nhà tôi chưa được công nhận gia đình văn hóa?
(Dân trí) - Các tiêu chí như một bài học về cách ứng xử đầy tính câu nệ hơn là làm thế nào để hoàn thiện bản thân. Nó chẳng làm gì để nâng cao văn hóa mà chỉ là những tiêu chí cơ bản để làm một người bình thường...
Lại thêm một ngày của Việt Nam nữa mà tôi không biết. Tôi vừa xem xong một chương trình về Ngày Gia đình Việt Nam (28/6, bạn nhớ ghi vào sổ nhé), và tôi vô cùng thất vọng. Rõ ràng tôi là một kẻ ngoài lề xã hội, một trong những kẻ vô cùng thiếu văn minh - hay còn gọi là những kẻ cùng khổ về học thuật, vì cho tới giờ tôi vẫn chưa được nhận một giấy chứng nhận của phường nơi cư trú, với nội dung khen ngợi trí tuệ của tôi bằng một con dấu công nhận "gia đình văn hóa".
Chẳng phải tôi đọc "Phê bình sách London", "Nhà kinh tế học" và tạp chí bóng đá nổi tiếng "Bốn Bốn Hai"? Thế chưa đủ hay sao? Có thể thị hiếu về điện ảnh nghệ thuật Việt Nam của tôi (vâng, "Mùi đu đủ xanh" có hơi lê thê, nhưng hãy xem gam màu của nó!), hoặc cảm thụ về cảnh bắn súng trên những bậc thềm tòa nhà Odessa với thủ pháp cắt cảnh nhanh mang tính cách mạng trong bộ phim "Chiến hạm Potemkin" của nhà làm phim Xô-viết Eisenstein (về sau được Brian De Palma bắt chước trong "The Untouchables" là chưa đủ tầm? Album "Love Supreme" của nghệ sĩ Jazz John Coltrane, phải chăng được xếp vào nhóm dễ nghe ở cửa hàng CD địa phương? Tôi bắt đầu tự hỏi.
Tôi bắt đầu tự hỏi liệu có ai có thể thực sự hội đủ điều kiện cho vinh dự tuyệt vời này. Bắt đầu bằng một danh sách thông thường về chuyện tuân thủ pháp luật (đúng là có quy định đấy, tôi từng luôn cho rằng đó là chuyện bình thường đối với một công dân nhưng hình như không phải), sau đó chúng ta bước sang những bài học đạo đức. Các tiêu chí nghe như một bài học về những cách ứng xử đầy tính câu nệ hơn là thực sự làm thế nào để hoàn thiện bản thân với tư cách một con người theo nghĩa rộng. Có vẻ bạn sẽ là một anh chàng đầy văn hóa nếu bạn cảm ơn mẹ đã nấu cơm cho mình ăn rồi ra ngoài chơi đá bóng với các bạn hơn là nếu bạn đọc một cuốn sách. Thế mà trước đó tôi cứ nghĩ tới những tiêu chí như bạn có làm công việc tình nguyện, đã tốt nghiệp đại học, đã đi học nghề thêm, tập chơi nhạc vào thời gian rảnh, hay có một bộ sưu tập sách ngang ngửa Thư viện Quốc gia. Danh sách có vẻ thiên về chuyện tuân thủ hơn là sự vươn lên của mỗi cá nhân hay mỗi gia đình, và những tiêu chí đó chẳng làm gì để nâng cao văn hóa cả. Đó chỉ là những tiêu chí cơ bản để làm một người bình thường... Có thể là vì tôi chưa dành đủ thời gian uống trà đá và hút Vinataba với các ông bà ở phường để đủ điều kiện làm một công dân hoàn hảo?
Tôi thất vọng khi tiếp tục xem phóng sự về Ngày Gia đình Việt Nam, khi nó đưa ra những "sự thật" về sự phát triển xã hội theo một cách sáo mòn. Những thực tế hiện đại bị gạt bỏ, chẳng hạn như tỉ lệ ly hôn ở các cặp vợ chồng trẻ được coi là một hiện tượng tiêu cực, thay vì công nhận thực tế rằng lần đầu tiên sau nhiều thế kỷ, người ta có thể thoát khỏi việc bị mắc kẹt trong một cuộc sống mà họ không còn muốn nữa. Bài báo chỉ trích sự tăng các ca bạo lực gia đình được trình báo, lờ đi sự thật rằng bạo lực gia đình đã xảy ra từ rất lâu trước khi có "đổi mới", và chỉ đến bây giờ phụ nữ mới đủ tự tin để trình báo các vụ việc mà trước đây từng bị cho là đáng xấu hổ hoặc mang tính cá nhân. Tôi cũng thất vọng khi thấy phóng sự về Ngày Gia đình đả động quá ít tới tầm quan trọng mà Việt Nam đặt lên giáo dục, như một trong những nguyên lý đáng chú ý hơn của đạo Khổng. Chẳng phải việc đánh giá một người phụ nữ dựa trên bằng cấp mà chị ta đạt được còn tốt hơn là dựa trên việc chị ta từng ly hôn hay không? Hay chẳng phải một người đàn ông nên được đánh giá dựa trên những cuốn sách mà anh ta đọc hơn là việc anh ta dùng điện thoại di động hiệu gì?
Vì thế, trong khi ghi nhận gia đình của bạn, có lẽ cũng nên suy nghĩ một chút tới dự định mà bạn luôn trì hoãn, dù đó là học nhảy salsa, học chơi một nhạc cụ, tập vẽ, nấu món spaghetti bolognaise ở nhà, hay như tôi là học (lại) tiếng Việt, khi đó thì bạn sẽ thực sự xứng đáng với tấm chứng nhận "gia đình văn hóa".
U.M dịch