Sao người Việt ta lại khốn khổ và dễ bị lợi dụng đến thế?
(Dân trí) - Quả là đáng lo ngại khi có những cửa hàng mọc trên chính đất nước Việt Nam lại từ chối phục vụ người Việt Nam và càng đáng lo ngại hơn, khi có những người Việt Nam để cho người nước ngoài cụ thể ở đây là người Trung Quốc núp bóng thâu tóm đất đai. Chả lẽ người Việt ta lại khốn khổ và dễ bị lợi dụng đến thế, phải không các bạn?
Lại một cửa hàng từ chối bán hàng cho người Việt Nam, dành riêng để phục vụ du khách Trung Quốc. Đó là showroom H.A Cao su thiên nhiên ở 148 Xuân Thủy (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng), thuộc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Tuệ Dân.
Ngay sau nhận thông tin, sáng 24/12, lãnh đạo Chi Cục QLTT TP Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã lập biên bản xử phạt đối với 2 cửa hàng Sao Đại Hàn và Showroom H.A vì từ chối phục vụ người Việt.
Theo phản ánh từ phóng viên Infonet, showroom H.A Cao su thiên nhiên khẳng định chỉ tiếp khách đoàn Trung Quốc chứ không cho khách Việt Nam vào mua sắm, thậm chí người dân chỉ tới đứng trước cửa showroom này cũng bị bảo vệ đuổi đi.
Không chỉ có showroom H.A Cao su thiên nhiên, shop Sao Đại Hàn (đường Võ Nguyên Giáp, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cũng chỉ bán hàng lưu niệm cho khách Hàn Quốc và từ chối người Việt Nam.
Việc người Việt Nam bị từ chối phục vụ ở nhà hàng đã từng hơn một lần xảy ra ở các nước. Lý do, tất nhiên “Tiên trách kỉ, hậu trách nhân”, chúng ta không thể không thừa nhận đã từng có một số ít người có hành vi vô văn hóa, thậm chí ăn cắp vặt làm xấu đi hình ảnh của đất nước.
Thế nhưng việc cửa hàng mọc trên đất Việt Nam, chịu sự quản lý của chính quyền Việt Nam mà từ chối phục vụ người Việt Nam là không thể chấp nhận.
Sự phân biệt này, không chỉ xúc phạm danh dự những người Việt Nam mà còn xúc phạm đến uy tín của đất nước. Những “thượng đế” người Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ nghĩ gì khi mà cửa hàng dành cho họ một “đẳng cấp cao” còn người Việt Nam chúng ta lại bị coi như một “đẳng cấp thấp”.
Về mặt lý, đó là phân biệt đối xử còn về tình, còn đâu tình nghĩa đồng bào?
Có lẽ cũng cần nói thêm, gần đây, Đà Nẵng đã và đang xảy ra những vấn đề phức tạp. Đó là hiện tượng người Trung Quốc đứng sau, nhờ người Việt mua đất ven biển Đà Nẵng.
Theo báo Người lao động, trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn đã có 7 công ty có người Trung Quốc góp vốn đầu tư đứng tên mua 74 lô đất. Ngoài ra, có 71 cá nhân người Việt đứng tên mua 138 lô đất dọc vệt biệt thự sân bay Nước Mặn, phường Khuê Mỹ, tập trung đối diện Cty Sliver Shores.
Trong đó, đã xác định 1 trường hợp người Việt Nam là ông Phạm Văn Hùng (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) đứng tên mua 3 lô đất với số tiền 5 tỉ đồng cho ông Chiu J.Tase (A.Chiu), quốc tịch Đài Loan.
Hiện nay, số người Trung Quốc tạm trú trên địa bàn là 302 người (222 lao động, 80 du lịch lưu trú dài hạn). Ngoài ra, số lưu trú ngắn ngày trong các khách sạn, resort tính từ 1.12.2015 đến nay là 2.710 người.
Tại buổi gặp gỡ cán bộ quân đội nghỉ hưu cấp tướng và chỉ huy cũ qua các thời kỳ nhân Ngày Quân đội nhân dân Việt Nam do UBND TP Đà Nẵng tổ chức vào chiều 19.12, ông Lê Công Thạnh - nguyên Đại tá, Phó Chỉ huy trưởng về Chính trị Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Đà (cũ) - bày tỏ sự lo ngại:
"Cá nhân tôi cũng như một số cán bộ quân sự đã về hưu băn khoăn xung quanh việc người Trung Quốc chọn tập trung ở ven biển, gần sân bay Nước Mặn. Tôi đề nghị thành phố kiên quyết nghiên cứu, quản lý, điều chỉnh. Nếu cần, dự án ven biển nào không cần thiết, rút bớt đi. Việc làm đó có thể làm được vì đúng luật pháp, đúng yêu cầu thành phố".
Vâng, quả là đáng lo ngại khi có những cửa hàng mọc trên chính đất nước Việt Nam lại từ chối phục vụ người Việt Nam và càng đáng lo ngại hơn, khi có những người Việt Nam để cho người nước ngoài cụ thể ở đây là người Trung Quốc núp bóng thâu tóm đất đai.
Chả lẽ người Việt ta lại khốn khổ và dễ bị lợi dụng đến thế, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám