Ra nước ngoài “chữa bệnh”, “bệnh” của doanh nghiệp có Nhà nước và dân lo rồi?!
(Dân trí) - Ngày 20/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (theo điều 165 bộ luật Hình sự) xảy ra tại công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex), công ty cổ phần Đầu tư và Xây lắp dầu khí Kinh Bắc (PVC.KBC) và các đơn vị liên quan.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đồng thời cũng quyết định khởi tố 5 bị can, ra lệnh bắt tạm giam 4 bị can và lệnh khám xét đối với 5 bị can, trong đó có Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc PVTex sau hơn nửa năm trốn đi nước ngoài chữa bệnh (tháng 10/2016).
Không biết Vũ Đình Duy có bệnh gì mà phải ra tận nước ngoài chữa trị, nhưng “di sản” mà ông này để lại sau khi rời PVTex thì không biết bao giờ mới khắc phục xong. Số liệu công bố mới nhất cho thấy, tính đến 30/6/2016, vốn chủ sở hữu của công ty này đã bị âm 823,1 tỷ đồng, lỗ lũy kế của nhà máy hơn 3.008 tỷ đồng.
Tờ Tiền Phong ngày 22/6 phân tích về những sai phạm tại PVTex với sự dính líu của Vũ Đình Duy đã cho thấy, những sai phạm liên quan việc cố ý làm trái, buông lỏng quản lý, phê duyệt những gói thầu sai quy định và thay đổi nguồn gốc nhiều thiết bị quan trọng của Vũ Đình Duy và HĐQT PVTex đã khiến dự án đầu tư tới 7.000 tỷ đồng phải đắp chiếu nhiều năm sau đó. Một dự án quan trọng với vốn đầu tư cực lớn, nhưng được giao cho những “lãnh đạo trẻ” như Vũ Đình Duy – lúc bổ nhiệm vào vị trí Phó Tổng Giám đốc mới chỉ 34 tuổi.
Cho nên, mong mỏi của người dân hiện nay là làm thế nào và bao giờ có thể dẫn độ được Vũ Đình Duy về nước để cùng với những người liên quan khác “trả món nợ” với luật pháp, với nhân dân? Và hơn thế, đó là làm sao có thể khắc phục được những con số hàng nghìn tỷ đồng kia? Làm sao có thể bù đắp được những chi phí cơ hội của hàng nghìn tỷ đồng – mồ hôi, nước mắt của bao người lao động, tiền thuế của hàng chục triệu dân đang ngày đêm cần cù, lương thiện đóng góp?
Vâng, tiền dù sao thì cũng đã đưa đi đầu tư rồi, kết quả cũng đã thua lỗ rồi, mọi sự đều đã rồi! Thế nhưng, là một công dân chắt bóp từng đồng để có tiền thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước, làm sao có thể không chua xót, ngồi yên khi số tiền khổng lồ đó có thể xây bao nhiêu nghìn ngôi nhà, bao nhiêu nghìn cây cầu cho miền núi, có thể cưu mang bao nhiêu triệu số phận con người trong lúc khó khăn?
Cách đây vài tuần, khi truyền đạt lại ý kiến của cử tri tại phiên họp tổ Quốc hội chiều ngày 30/5, đại biểu Hồ Thanh Bình (An Giang) đã bày tỏ rất chân thật: “Một hộ nông dân có 1ha đất, mỗi năm kiếm được vài triệu đồng, nghe thất thoát tới hàng nghìn tỷ đồng họ rất băn khoăn và lo lắng”.
Mà không phải chỉ một dự án nghìn tỷ đó. Hiện Chính phủ đang phải xử lý tới 12 dự án nghìn tỷ như vậy, cái thì “đắp chiếu”, cái thì thua lỗ, thậm chí có dự án còn phải tính đến nước phá sản. Và liệu có còn dự án nào dùng tiền ngân sách Nhà nước nhưng thua lỗ, kém hiệu quả nữa không? Hẳn là còn…
Trong khi đó, theo như báo cáo của ngành tài chính thì tình hình cán cân ngân sách đang căng lắm, phải đi vay để trả nợ. Tiền vay nợ về lại phải dùng để đầu tư, chi trả cho những công trình, dự án, có cả những dự án thua lỗ nói trên. Mỗi người dân phải “gánh” đến trên 20 triệu đồng nợ công.
Một chủ doanh nghiệp gần đây bộc bạch với người viết: “Chả biết họ tiêu tiền Nhà nước có xót không, chứ tư nhân đồng tiền gắn liền khúc ruột, tiêu gì, đầu tư vào đâu cũng phải trằn trọc suy nghĩ đến mất ăn, mất ngủ. Sẩy chân ra thất thoát là chết ngay, mình là chủ, mình phải chịu chứ ai chịu?”.
Ừ nhỉ! Chả biết các vị ấy họ có thấy tiếc, thấy xót hay không? Hay là cứ tiêu tiền “thả ga”, đến lúc xảy ra cơ sự rồi bình thản ôm tài sản ra nước ngoài ung dung “chữa bệnh”, việc xử lý đã có Chính phủ, đã có dân lo liệu?!
Bích Diệp