Quốc hội năng động, đổi mới, hành động quyết liệt vì dân
(Dân trí) - Những phiên họp khẩn, những nghị quyết chưa có tiền lệ... đã khắc họa đậm nét tinh thần của một Quốc hội hành động, luôn đặt lợi ích của đất nước, của Nhân dân lên trên hết và trước hết.
Tháng 5/2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, hơn 70 triệu cử tri cả nước đã cầm lá phiếu bầu ra 499 đại biểu Quốc hội Khóa XV. Những lá phiếu mang theo niềm tin và kỳ vọng về những quyết sách của Quốc hội, sẽ cùng Chính phủ thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép" chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế.
Với vinh dự và trọng trách nặng nề, tuyên thệ trước Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định: "... tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội vì mục tiêu tối thượng là phụng sự lợi ích của Quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân...".
Tinh thần và quyết tâm đổi mới tiếp tục được khẳng định thông qua Đảng đoàn Quốc hội ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và 107 nội dung, đề án cụ thể trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đối ngoại và đổi mới phương thức hoạt động trong 5 năm tới của Quốc hội.
Tinh thần đổi mới được thể hiện ngay trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV bằng việc rút ngắn thời gian họp; thực hiện họp tập trung và trực tuyến trong kỳ họp thứ 2. Có thể nói, trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành việc thay đổi thời gian, hình thức tổ chức nhưng vẫn đảm bảo về nội dung và chất lượng các cuộc họp là minh chứng rõ ràng nhất về quyết tâm đổi mới, năng động, linh hoạt và tinh thần, trách nhiệm "vì dân" của các đại biểu Quốc hội.
Với tinh thần nêu cao trách nhiệm phụng sự lợi ích quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận và đưa ra nhiều quyết sách quan trọng đối với sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện, bối cảnh mới.
Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, với nhiều khó khăn và thách thức, Quốc hội đã chủ động ban hành Nghị quyết số 30 nhằm ứng phó kịp thời, hiệu quả trước diễn biến phức tạp của đại dịch, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái "bình thường mới". Qua đó, đã trao một số quyền cho Chính phủ, Thủ tướng để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch với tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức nhiều phiên họp bất thường và ban hành các nghị quyết quan trọng, lần đầu tiên được áp dụng, góp phần đưa đất nước vượt qua đại dịch, để lại dấu ấn trong cử tri và Nhân dân.
Bước sang năm 2022, trong khó khăn thách thức bủa vây, kế thừa kinh nghiệm của năm đầu tiên trong nhiệm kỳ, cùng với tinh thần đổi mới, quyết liệt hành động bằng tinh thần phụng sự, cử tri cả nước tin tưởng Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục có những quyết sách cho sự phát triển ổn định và vững chắc.
Sáng 4/1, ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, quyết định 4 nội dung cấp bách. Trong đó, đáng chú ý là Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm đối phó với đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Theo Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: "Gói phục hồi phát triển kinh tế nếu được thông qua ở những ngày đầu năm 2022 rõ ràng sẽ thúc đẩy cho tăng trưởng 2022 và 2023. Dư âm của nó sẽ còn duy trì ở nhiệm kỳ 2021-2026 này. Rõ ràng đó là một yếu tố để giải quyết những việc cần thiết, cấp bách. Nếu để lại đến kỳ họp tháng 5, chúng ta sẽ chậm đi 5 tháng mới quyết định được".
Việc triệu tập kỳ họp bất thường cho thấy rõ quyết tâm của một Quốc hội năng động, đổi mới, đặt người dân ở vị trí trung tâm của hành động, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của nhân dân.