Qui định mới để chống tham nhũng không còn là… “đánh trận giả”!

(Dân trí) - Khi phát hiện cán bộ công chức, viên chức có tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai thì cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập có thể khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án có thẩm quyền để phán quyết về quyền sở hữu đối với phần tài sản, thu nhập chênh lệch nếu không giải trình được một cách hợp lý.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Đó là nét mới của dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đang được lấy ý kiến nhân dân. Nhìn lại việc kê khai tài sản để phục vụ công cuộc phòng chống tham nhũng những năm qua, không thể nói khác là không thành công. Nói không thành công (hay thất bại nhỉ?) là bởi việc kê khai tài sản chưa góp phần làm giảm tệ nạn tham nhũng.

Cách đây hơn một năm, Thanh tra Chính phủ cho biết, tính đến ngày 31/5/2015, đã có 995.383/999.416 người kê khai tài sản, đạt tỷ lệ 99,6%. Thế nhưng qua xác minh 1.225 người thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập, chỉ phát hiện 4 người "không trung thực".

Với gần 1 triệu đối tượng kê khai tài sản chỉ phát hiện được 4 trường hợp kê khai sai (tức tỉ lệ 4/1000. 000) thì có hai khả năng, một là sự trung thực của cán bộ, đảng viên gần như tuyệt đối và hai là qui định không phát huy tác dụng. Trong khi đó, không ít trường hợp khi phát hiện sai phạm, đồng nghĩa với việc phát hiện những khối tài sản khổng lồ. Mỉa mai thay, đã từng có những khối tài sản “khủng” của cán bộ lại do… kẻ trộm phát hiện như vụ trộm tại nhà hai vị quan chức ở Gia lai và Kon tum.

Chợt nhớ, tại phiên thảo luận Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi năm 2012, ĐB. Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đã phải kêu lên: “Nhiều cán bộ chúng ta, con cái tự nhiên giàu lên. Mà trong kê khai tài sản hiện lại không ràng buộc với con thành niên. Cho nên, lãnh đạo chúng ta kê khai tài sản rất ít, đến mức ĐB. Dương Trung Quốc thấy họ “nghèo hơn mình”, phải lấy làm… thương!”.

Còn ĐB. Dương Trung Quốc “than vãn” rằng nhìn bản kê khai tài sản của lãnh đạo mà thương vì cán bộ ta nghèo quá, “nghèo hơn cả tôi – Lời ĐB. Quốc”. Cán bộ mà còn nghèo thế thì dân giàu sao được!

Trở lại với những qui định mới của Dự thảo, người dân còn mong mỏi việc kê khai phải được công khai để nhân dân giám sát.

Tháng 5 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đi một bước khá xa, đó là ký văn bản kiến nghị Thanh tra Chính phủ nghiên cứu các hình thức công khai việc kê khai, tài sản, thu nhập trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại nơi công tác và tại địa phương nơi sinh sống để người dân, xã hội giám sát, nhằm phát hiện những trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không đầy đủ, không trung thực.

Người dân còn mong mỏi việc thu hồi tài sản phải được làm triệt để, kể cả nhưng kẻ đã và đang thụ án tù như Phạm Thanh Bình trong vụ Vinashin. Nếu với Phạm Thanh Bình, chúng ta làm kiên quyết như trong vụ Giang Kim Đạt thì chắc chắn, số tài sản thu hồi dược không đến nỗi “thê thảm” như hiện nay.

Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng với những qui định trên là một điều đáng mừng bởi nó thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công cuộc này.

Song, “mọi lý thuyết đều màu xám”, mọi văn bản pháp lý dù có chặt chẽ đến mấy nếu như khâu thực hiện không nghiêm túc thì cũng chỉ là “màu xám”. Thậm chí, trở thành tấm “bình phong” che chắn, bảo kê cho tham nhũng.

Và nếu như lực lượng chống tham nhũng lại… tham nhũng như câu hỏi nghi ngại của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng “có hay không tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng” ngày nào thì công cuộc chống tham nhũng chỉ là… đánh trận giả như ví von hài hước của ĐB Dương Trung Quốc cách đây mấy năm:

“Bảy năm qua, việc chống tham nhũng tựa như đánh trận giả. Kế hoạch tác chiến rất hoành tráng, lực lượng huy động rất hùng hậu, mệnh lệnh ra quân rất dứt khoát và được nhân dân cổ vũ mạnh. Khi lâm trận, súng nổ rất to mà không sát thương được ai vì đạn không có đầu!”.

Xin đừng để công cuộc phòng chống tham nhũng tiếp tục trở thành trò chơi… trận giả, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám