Quản lý bằng lái xe, không phải cuộc "tranh giành làm luật"!
(Dân trí) - Đổi mới là cần thiết, song một khi công việc đang tiến triển thuận lợi, thì liệu có cần phải thay đổi hay không bởi mỗi sự đổi thay, đều phải chấp nhận sự rủi ro có thể?
Chuyện cơ quan nào quản lý bằng lái xe lại tiếp tục gây xôn xao dư luận sau cuộc họp báo Chính phủ vào tối ngày 4.9 vừa qua.
Theo thông tin trên Dân trí, tại cuộc họp này, “Thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ Công an chia sẻ: “Công việc không đơn vị này làm thì đơn vị khác làm. Thủ tướng cũng nói không phải quyền anh hay quyền tôi. Phân công theo chức năng nhiệm vụ, Bộ Giao thông Vận tải hay Bộ Công an làm cũng là tạo thuận lợi cho công việc, cho quản lý, vì quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp nên không cần câu nệ ai làm”.
Theo ông Xô, Bộ Công an, Bộ Giao thông hay đơn vị liên quan nào cũng đều lắng nghe ý kiến người dân.
Đồng tình với người phát ngôn Bộ Công an, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, đây không phải vấn đề tranh giành làm luật, mà nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan, cơ quan nào làm tốt hơn thì giao cơ quan đó”.
Trước hết, xin hoan nghênh tinh thần lấy thuận lợi cho doanh nghiệp, cho người dân làm chủ đạo và lắng nghe ý kiến nhân dân của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và Thiếu tướng Tô Ân Xô.
Chắc bạn đọc BLOG Dân trí còn nhớ cách đây 9 ngày (27.8), người viết bài này đã bày tỏ quan điểm của mình trong bài “Những ngành nghề dân sự làm được, nên để dân sự làm!” với các lý do sau:
Thứ nhất, tình hình an ninh trật tự ngày càng phức tạp. Các đối tượng gây án ngày càng tinh vi. Đặc biệt, công tác phòng chống tham nhũng đang cấp thiết. Vì vậy, nên để Bộ Công an tập trung cao độ cho lĩnh vực này.
Thứ hai, với mô hình hiện nay, ngành GTVT cấp, công an kiểm tra, giám sát, GTVT làm sai, tiêu cực, Công an xử lý, phạt, khởi tố. Nếu Công an cấp, ai giám sát, ai xử lý? Điều quan trọng là không nên để dư luận cho rằng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Thứ ba, với những việc “dễ”, không nguy hiểm, dân sự làm được thì nên để dân sự làm. Không nên để lực lượng vũ trang sa vào những công việc hành chính thông thường dân sự làm được và làm tốt.
Đồng thời, tôi kiến nghị nên chuyển công việc đào tạo sang lĩnh vực học nghề của ngành Lao động, Thương binh & Xã hội, ngành GTVT sát hạch, cấp bằng và ngành Công an kiểm tra, giám sát.
Cho đến thời điểm này, bài báo đã có hơn 65.000 view, 139 comment và nếu coi đây như một cuộc “khảo sát nhỏ” thì dễ dàng nhận thấy, đa số đồng tình với quan điểm của người viết.
Một số ý kiến còn đặt câu hỏi, việc quản lý bằng lái xe trước năm 1995 đã do Bộ Công an quản lý. Song, có lẽ nhận thấy cách làm này chưa thật hợp lý nên đã chuyển sang cho Bộ Giao thông Vận tải và hiện, công việc đang thuận lợi, liệu có nên “tái hồi” hay không?
Đổi mới là cần thiết, song một khi công việc đang tiến triển thuận lợi, thì liệu có cần phải thay đổi hay không bởi mỗi sự đổi thay, đều phải chấp nhận sự rủi ro có thể?
Tóm lại, để giúp Bộ Công an, Bộ Giao thông hay đơn vị liên quan “lắng nghe ý kiến người dân” như lời của Thiếu tướng Tô Ân Xô đồng thời tránh ý kiến cho rằng “tranh giành làm luật” như lời của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, các bạn thân mến của tôi hãy bày tỏ ý kiến (comment) của mình nhé.
Trân trọng cảm ơn các bạn!